Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện Chư Sê (17-8-1981 – 17-8-2011)

Chư Sê đổi đời

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đạt được những kết quả quan trọng về kinh tế - xã hội, trở thành vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh Gia Lai.
Chư Sê đổi đời

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đạt được những kết quả quan trọng về kinh tế - xã hội, trở thành vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh Gia Lai.

  • Những tỷ phú hồ tiêu

Chúng tôi có dịp đến xã Ia Blang, huyện Chư Sê vào trung tuần tháng 8. Đi trên những con đường bê tông bóng loáng, với những ngôi nhà kiểu dáng hiện đại, cảnh mua bán nhộn nhịp, xe cộ lưu thông tấp nập..., chúng tôi cứ ngỡ như mình đang ở một thành phố nào đó. Trên địa bàn xã, nhiều hộ dân đã xây dựng được những căn nhà 2 - 3 tầng với những nét kiến trúc hiện đại. Ở vùng thuần nông này, nhiều nhà dân đã có ô tô con; nhiều học sinh, sinh viên đi học ở các trường THPT, đại học tại các thành phố lớn...

Trong ngôi biệt thự, từ trong ra ngoài trang trí những vật dụng đắt tiền, anh Nguyễn Văn Luyến – một trong những nông dân khá giả bậc nhất ở thôn 6, xã Ia Blang đang chăm chút chiếc “xế hộp” đời mới của mình. Trông cảnh sống sung túc của gia đình anh, chúng tôi liên tưởng đến những đại gia khá giả ở thành phố chứ không phải người nông dân “chân lấm tay bùn” như anh Luyến.

Cây tiêu đã giúp nhiều nông dân Chư Sê trở thành tỷ phú.

Cây tiêu đã giúp nhiều nông dân Chư Sê trở thành tỷ phú.

Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, anh Luyến tự hào khoe: “Tất cả những thứ này có được nhờ vào hồ tiêu cả đấy”. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo thuộc huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên - Huế), năm 1976, anh Luyến cùng anh trai rời gia đình đi kinh tế mới ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai). Hơn chục năm nghèo khó, đến những năm đầu thập niên 90, được sự vận động, giúp đỡ của địa phương, anh bắt đầu làm quen với cây hồ tiêu. Từ vài trăm trụ tiêu, đến nay gia đình anh đã có hơn 7ha tiêu đang cho thu hoạch với thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng.

Ngoài gia đình anh Nguyễn Văn Luyến, ở huyện Chư Sê, những hộ gia đình với thu nhập thuộc vào hàng tỷ phú đếm “sơ sơ” cũng lên con số gần trăm. Nổi bật nhất trong số này là gia đình tỷ phú Nguyễn Văn Quéo ở thị trấn Chư Sê, nay đã thành lập doanh nghiệp.

Ngay ở các thôn thuần là đồng bào dân tộc thiểu số, như hộ Kpă Phái, ở làng Del (xã Ia Glai), với việc trồng tiêu cũng đã đứng vào hàng tỷ phú. Những chuyện cổ tích giữa đời thường này được viết lên từ thương hiệu “hồ tiêu Chư Sê”, chính loại nông sản có mùi vị cay nồng này đã đem đến một luồng sinh khí mới, giúp nhân dân huyện Chư Sê vươn lên làm giàu một cách chính đáng.

  • Dân giàu, huyện mạnh

Huyện Chư Sê được thành lập ngày 17-8-1981 trên cơ sở tách 5 xã của huyện Mang Yang, 7 xã của huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai). Chư Sê được đánh giá là một trong những địa phương có điều kiện tự nhiên và giao thông thuận lợi. Tuy nhiên, những năm đầu thành lập, huyện gặp không ít khó khăn.

Phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, lãnh đạo tỉnh cùng với huyện vận động người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng. So với nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, huyện Chư Sê có nhiều lợi thế để phát triển cây công nghiệp dài ngày, trong số này phải kể đến hai loại cây trồng chủ lực là hồ tiêu và cao su.

Chỉ tính riêng cây hồ tiêu, đến nay, trên địa bàn huyện đã có gần 3.000ha, sản lượng hàng năm từ 12.000 đến 15.000 tấn, bảo đảm chất lượng xuất khẩu và đem lại hiệu quả cao cả về kinh tế lẫn tính ổn định lâu dài, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Người người, nhà nhà tích cực tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng làng xã văn hóa, gia đình văn hóa.

Đến nay, huyện xây dựng được hơn 130 thôn, làng, tổ dân phố văn hóa; 14.290 gia đình văn hóa. Trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Năm học 2010 - 2011, toàn huyện có 55 cơ sở trường học, 1.003 nhóm lớp với 28.658 học sinh; 3 trường chuẩn quốc gia, 15/15 xã phổ cập THCS và phổ cập tiểu học; tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 98,8%; duy trì sĩ số học sinh đạt 99,1%. Nhiều gia đình có điều kiện cho con em đi học các trường đại học, cao đẳng, trường nghề ở ĐH Tây Nguyên, Đại học Đà Lạt và các trường tại TPHCM.

Thu nhập bình quân đầu người ở Chư Sê tăng lên mỗi năm. Năm 1981, bình quân 909.000 đồng, đến năm 2010 con số này đã là 15,3 triệu đồng; tỷ lệ hộ đói nghèo liên tục giảm, từ 80,5% (năm 1981) xuống 17,3% (năm 2000) và đến nay chỉ còn khoảng 10%.

Nói về bước chuyển mình của huyện những năm qua, ông Nguyễn Hồng Linh, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, cho rằng: Địa phương đã đạt những kết quả đáng kể, nhưng phía trước vẫn còn không ít khó khăn, cần tiếp tục tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục