Chủ tịch Hồ Chí Minh và sức mạnh, sức chiến đấu của Đảng ta

Năm nay đất nước ta trang trọng kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta do Bác Hồ sáng lập và lãnh đạo, đưa đất nước ta vượt qua bao thác ghềnh, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và đang trên đường phát triển không ngừng. Đảng ta, dân tộc ta mãi ghi sâu công ơn trời biển của Bác. Tên Bác - Hồ Chí Minh luôn gắn với Đảng quang vinh, dân tộc anh hùng, thế hệ Hồ Chí Minh…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến dâng hương tưởng niệm Bác Hồ tại Nhà 67 trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, nơi Người từng sống và làm việc đến ngày cuối cùng. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến dâng hương tưởng niệm Bác Hồ tại Nhà 67 trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, nơi Người từng sống và làm việc đến ngày cuối cùng. Ảnh: TTXVN

Lý tưởng của Bác soi đường, dẫn lối dân tộc ta

Cách đây 90 năm, ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân, là đội tiên phong của giai cấp đồng thời là đội tiên phong của dân tộc, đại biểu trung thành cho lợi ích của dân tộc và của nhân dân lao động Việt Nam. Đó là một Đảng chân chính cách mạng, trung thành tuyệt đối với lợi ích của giai cấp công nhân, của toàn thể dân tộc và nhân dân Việt Nam, với chủ nghĩa quốc tế chân chính xã hội chủ nghĩa, phấn đấu đến cùng cho thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Đó là lý tưởng, mục tiêu cao quý của Đảng và cũng là trọng trách lịch sử mà giai cấp công nhân, dân tộc và nhân dân giao phó cho Đảng. Lịch sử vẻ vang của Đảng 90 năm qua là lịch sử chiến đấu, hy sinh, thế hệ tiếp nối thế hệ của những người cộng sản Việt Nam cùng với nhân dân và dân tộc mình vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của nhân dân.

Sức mạnh và sức chiến đấu của Đảng bắt nguồn từ sức mạnh đoàn kết, nhất trí trong Đảng, từ kỷ luật tự giác, tự nguyện, chấp hành tuyệt đối nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và sinh hoạt Đảng, đề cao tự phê bình và phê bình, có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, từ lòng trung thành vô hạn đối với lý tưởng, mục tiêu cộng sản chủ nghĩa. Vì thế, mỗi đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng lên trên hết, trước hết, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội theo tấm gương mẫu mực của Bác Hồ. Sức mạnh của Đảng được tạo thành từ chất lượng của từng đảng viên, từng chi bộ và của toàn Đảng. Bác Hồ đã từng nhấn mạnh, từng đảng viên tốt thì chi bộ mới tốt, các chi bộ, các tổ chức Đảng có mạnh thì toàn Đảng mới vững mạnh. Người ví Đảng như một cơ thể sống, Trung ương là bộ não, là cơ quan thần kinh của Đảng. Cấp ủy là lực phát động, chi bộ và đảng viên là cầu nối giữa Đảng với quần chúng. Do đó, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của cấp ủy và người đứng đầu có vai trò, tác dụng rất to lớn, tạo nên sức mạnh, sức chiến đấu của Đảng, thúc đẩy phong trào cách mạng đi lên, nêu gương và làm gương cho quần chúng noi theo. “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” - câu nói giản dị đó của Bác Hồ mãi mãi có tính thời sự, cũng như khi Người nhấn mạnh, “một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền” - đó là sự thật, là chân lý mà mỗi cán bộ đảng viên, mỗi tổ chức Đảng phải thường xuyên ghi nhớ và thực hiện theo phương châm “nói ít làm nhiều”, “lời nói đi đôi với việc làm” để giữ trọn niềm tin của nhân dân với Đảng.

Đảng là đạo đức và văn minh

Sức mạnh, sức chiến đấu của Đảng - một Đảng cách mạng, một Đảng hành động, khi hành động thì muôn người như một người, đòi hỏi Đảng suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Ngoài lợi ích của giai cấp, dân tộc và nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác. Lý do tồn tại của Đảng là ở đó. Đạo đức và văn minh của Đảng cũng là ở đó. Cho nên, suốt đời vì dân, làm tất cả vì tự do và hạnh phúc của nhân dân là lẽ sống chân chính của người cách mạng, của Đảng cách mạng. Trong những đặc trưng về “Tư cách của người cách mạng”, của Đảng cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặc biệt nhấn mạnh vào hai điểm cốt lõi thuộc về trí tuệ khoa học, bản lĩnh chính trị và đạo đức cách mạng. Đó là “phải giữ chủ nghĩa cho vững” và “ít lòng ham muốn về vật chất”. Khi Đảng còn chưa ra đời, Người đã mẫn cảm biết bao khi đặt ra hai yêu cầu hệ trọng đó. Khi Đảng đã cầm quyền, Người càng đặc biệt chú trọng giáo dục, rèn luyện đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo theo những yêu cầu đó. Không như vậy, sự tha hóa biến chất cộng sản khó có thể tránh được mà biểu hiện rõ nhất là xa dân, vi phạm dân chủ của dân, tự biến mình thành “quan chủ”, lãng quên, lẩn tránh trách nhiệm là đầy tớ trung thành, công bộc tận tụy của dân mà “lên mặt quan cách mạng”.

Xa dân là khởi đầu của sự suy yếu, vì tự đánh mất lòng tin của dân. Quan liêu, lãng phí, tham ô, tham nhũng, gây tổn hại tới lợi ích của dân là có tội với nhân dân và tự làm hoen ố thanh danh của Đảng trong con mắt của người dân. Phòng tránh điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên chỉ rõ, “phải dựa vào dân mà xây dựng Đảng”, phải đề cao đạo đức, lương tâm, phẩm giá, phải giáo dục cho mọi cán bộ đảng viên chí khí cách mạng, trọng danh dự, liêm sỉ, phải biết rằng “tính tham, lòng tham là rất đáng xấu hổ” và “lười biếng, vô trách nhiệm là lừa gạt dân chúng”. Đó là sức mạnh tự thức tỉnh, tự bảo vệ nhân cách, bảo vệ sự trong sạch và uy tín của Đảng. Giáo dục phải đi liền với kỷ luật, kỷ cương, pháp chế nghiêm minh, Đảng phải nêu gương “quang minh chính đại”, “dĩ công vi thượng”, “thẳng tay trừng trị tất cả kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai, làm gì, ở cương vị nào”. Biết dũng cảm nhận ra những khuyết điểm, sai lầm và có đủ dũng khí công khai thừa nhận sai lầm, có quyết tâm và bằng hành động thực tế để sửa chữa cho bằng được những khuyết điểm sai lầm đã mắc phải, đó là thước đo của một Đảng “mạnh khỏe, chắc chắn, tiến bộ”. Ngược lại, che giấu khuyết điểm sai lầm, tệ hại hơn lại dung dưỡng cho nó phát triển bởi những sự nể nang, bao che, nhu nhược, lỏng lẻo về kỷ luật, xộc xệch về tổ chức… thì khác gì như người có bệnh mà giấu bệnh, bệnh càng nặng hơn, mất dần sinh khí, rơi vào hư hỏng rồi đổ vỡ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dũng cảm nói rõ điều đó và kết luận rằng, như thế sẽ là một Đảng hỏng. Càng thấy rõ hơn, tầm quan trọng sống còn của việc thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng, không chỉ về chính trị, tư tưởng và tổ chức mà còn phải đặc biệt chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức, về văn hóa - văn hóa trong Đảng, văn hóa của Đảng lãnh đạo, cầm quyền. Đảng ta là đạo dức, là văn minh bởi nền tảng tinh thần của Đảng là đạo đức cách mạng, kiên quyết quét sạch, “tẩy sạch” chủ nghĩa cá nhân, đó là kẻ thù nguy hiểm nhất, ẩn nấp trong mỗi con người, mỗi tổ chức mà từng người, từng tổ chức Đảng phải ra sức chống, dù biết rằng “sẽ có không ít sự đau đớn ở trong lòng”.

Tin cùng chuyên mục