Đến năm 2010, ngành cơ khí Việt Nam đã xuất khẩu được trên 5,5 tỷ USD. Năm 2011 đạt 6,2 tỷ USD (chủ yếu FDI) và giải quyết rất nhiều lao động tham gia đội ngũ công nhân công nghiệp, tạo lợi nhuận gián tiếp cho các ngành sản xuất khác. Tuy nhiên, ngành cơ khí còn một số hạn chế.
Sau hơn 10 năm chưa có thêm một nhà máy mới nào về chế tạo máy, dẫn đến cơ khí nước ta phát triển lệch và phần quan trọng lại chưa được Chính phủ chỉ đạo tập trung đầu tư phát triển. Trong số 24 dự án thuộc cơ khí trọng điểm Chính phủ phê duyệt chỉ có 5 dự án được thực hiện.
Trong thời gian tới, Chính phủ nên tập trung soát xét lại một số các sản phẩm cơ khí trọng điểm vừa có thị trường vừa có cơ sở vật chất để phát triển được hưởng những chính sách ưu tiên đặc biệt như: ngành đóng tàu biển; ô tô buýt, xe khách và tải nhẹ… Đối với các tập đoàn công nghiệp lớn nên quan tâm hơn nữa đầu tư cho lực lượng cơ khí của mình.
Đầu tư phát triển công nghiệp cơ khí dứt khoát không thể không có bàn tay hữu hình của Nhà nước tác động, nuôi dưỡng bằng tạo đơn hàng cho các sản phẩm cơ khí. Chính phủ cần có một hệ thống chính sách đồng bộ từ vốn, quy hoạch, lựa chọn sản phẩm có sức cạnh tranh và kết hợp kinh tế quốc phòng. Không thể đầu tư tràn lan và không theo quy hoạch phát triển chung của quốc gia.
Mặt khác, nhanh chóng hoàn thiện cơ chế đấu thầu, trong đó quy định tỷ lệ bắt buộc sử dụng vật tư, thiết bị công nghiệp do Việt Nam sản xuất. Đưa ra nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa và tỷ lệ nội địa hóa và tiêu chí đánh giá; tiêu chí các công ty nước ngoài không có cơ sở sản xuất tại Việt Nam không được tham gia đấu thầu cung cấp thiết bị (thực hiện như ở Ấn Độ và một số nước khác). Quy định chặt chẽ việc thực hiện Hợp đồng EPC theo chỉ thị của Chính phủ. Chủ đầu tư phải bóc tách nhiều gói thầu để các doanh nghiệp trong nước đủ năng lực tài chính, công nghệ tham gia thầu, quy định các nhà thầu nước ngoài chỉ làm thầu phụ như cung cấp thiết bị cho nhà thầu trong nước đứng đầu liên danh dự thầu. Đối với các dự án đầu tư và mua sắm sử dụng vốn ngân sách Nhà nước hoặc trái phiếu Chính phủ bắt buộc hồ sơ mời thầu phải có tiêu chí đánh giá về tỷ lệ bắt buộc sử dụng vật tư, thiết bị các sản phẩm cơ khí trong nước sản xuất đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Các dự án này phải được thông qua một tổ thẩm định do Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam tập trung các nhà chuyên môn để bóc tách những thứ không cần nhập trước khi dự án này được đơn vị chủ quản phê duyệt. Không nhập khẩu các sản phẩm, chi tiết, phụ tùng đã sản xuất được trong nước để sửa chữa, trung đại tu các công trình.
LẠC PHONG (ghi)