Mùa sân khấu tết đã khép lại. Những người làm sân khấu thành phố lại phải tất bật đi tìm cái mới, cái lạ, cái hay… để giữ chân khán giả. Chúng tôi có cuộc đối thoại cùng tác giả Lê Duy Hạnh (ảnh), Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM về sân khấu kịch, cải lương hiện nay.
- PV: Nhiều ý kiến cho rằng, mùa sân khấu tết ít có vở diễn hay, chủ yếu là kịch giải trí “vui là chính”. Còn nhận xét của anh?
Tác giả LÊ DUY HẠNH: Các sân khấu thường chọn các kịch bản nhẹ nhàng để dàn dựng, phục vụ khán giả giải trí trong mấy ngày đầu xuân nên ít khi có được những vở diễn hay cũng là điều dễ hiểu. Các điểm diễn ngày càng nhiều nên khán giả có được nhiều cơ hội chọn lựa những vở diễn tốt nhất để xem.
- Với sự bùng nổ của nhiều điểm diễn, nếu như những người làm sân khấu không bình tĩnh chọn lựa, đầu tư dàn dựng những vở diễn hay thì tương lai sẽ dễ rơi vào tình trạng như tấu hài hiện nay - sau khi bùng nổ, giờ đang đuối dần…
Điều này là có thật. Hiện nay, vấn đề làm cho kịch bản văn học ngày càng hay hơn không được chú trọng, đạo diễn rất khó tập tuồng vì diễn viên thường chạy show tứ tung và thời gian tập tuồng, trau chuốt vai diễn cũng không có nhiều… Sân khấu hiện nay cần phải đề phòng với cách làm nhanh, gọn, thực dụng như thế. Cách làm này chỉ có thể đáp ứng nhất thời cho số ít khán giả.
Nếu không kịp thời chấn chỉnh trong năm nay và những năm về sau thì đây sẽ là một vấn đề nan giải thật sự của sân khấu. Ngoài ra, cách làm việc dễ dãi như vậy đến một lúc nào đó, khán giả cũng sẽ rời bỏ kịch cải lương như đang rời bỏ tấu hài. Một khi khán giả quay lưng lại với sân khấu thì rất khó kéo họ lại.
- Như vậy rõ ràng, tình hình sân khấu xã hội hóa hiện nay đang cần được tiếp sức của nhà nước mới mong có được nhiều vở diễn chất lượng. Nếu không, các sân khấu một khi tự thân vận động, đương nhiên họ luôn chú trọng yếu tố doanh thu nên đa phần làm kịch giải trí. Như vậy sân khấu sẽ thiếu những vở chính kịch, mang tính định hướng thẩm mỹ cao?
Lâu nay, hầu hết các sân khấu đều chỉ nói miệng, chứ hoàn toàn chưa có những dự án rõ ràng nên khó đòi hỏi sự đầu tư của nhà nước. Tôi nghĩ, nếu các đơn vị xã hội hóa muốn có sự hỗ trợ của nhà nước, cần phải có những dự án cụ thể với tác phẩm gì, dàn dựng vào thời điểm nào, đảm bảo chất lượng nghệ thuật ra sao, kinh phí đầu tư bao nhiêu… Bởi một dự án được cấp kinh phí, không phải chỉ có Bộ VH-TT-DL hay Sở VH-TT-DL TPHCM, mà còn liên quan đến rất nhiều bộ, sở ngành khác nên đòi hỏi, tất cả đều phải cụ thể, có hiệu quả.
- Ở Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc vừa qua, cải lương thành phố thua ngay trên sân nhà. Đây là nỗi niềm không của riêng ai...
Tôi nghĩ, nếu muốn thay đổi, sân khấu cải lương phải được làm lại từ đầu, ngay cả các khâu tổ chức. Hiện nay, có một nghịch lý là tại sao kịch nói thành phố xã hội hóa mạnh mà cải lương thì không thể? Theo tôi, nguyên nhân chính là con người. Việc quản lý một đơn vị nghệ thuật đòi hỏi người vừa có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, vừa biết quản lý. Về điều này, ở kịch nói, có được những người như thế như Hồng Vân, Thành Lộc, Ái Như, Thành Hội, Phước Sang…
Nhìn lại cải lương, về tác giả có thể đáp ứng được từ 3 – 5 sân khấu, nhưng còn những người có thể làm quản lý giỏi như ở lĩnh vực kịch là gần như không có. Hiện nay, tất cả đang tập trung vào Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Trong khi đó, ở nhà hát này lại song song cùng tồn tại hai mô hình, một là nhà nước, hai là xã hội hóa. Cả hai cùng chung một mái nhà, nhưng lại không cùng chung tiếng nói.
Cho nên, trong tương lai, phải tính toán thế nào để xây dựng cho được từ 3 – 5 đơn vị nghệ thuật cải lương. Từ đó, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cũng phải cạnh tranh với các đơn vị nghệ thuật khác.
- Nhưng vấn đề là ai sẽ làm?
Sắp tới, Hội Sân khấu TPHCM sẽ đứng ra tập hợp anh em nghệ sĩ để làm điều này.
- Cảm ơn anh về cuộc đối thoại này.
Đỗ Hạnh (thực hiện)