Hôm nay 18-6, Đại hội đại biểu Hội Sân khấu TPHCM lần thứ 6, nhiệm kỳ 2010 - 2015, sẽ chính thức khai mạc tại Nhà hát TP. Nhân dịp này, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, về những vấn đề cần quan tâm trong nhiệm kỳ này.
°PV: Thưa ông, trong nhiệm kỳ vừa qua có những việc gì Hội sân khấu chưa làm được?
°Ông LÊ DUY HẠNH: Có thể nói nhờ thực hiện xã hội hóa đã mang lại diện mạo mới cho sân khấu TPHCM. Hoạt động xã hội hóa sân khấu đã tạo dựng được nền tảng làm tiền đề cho sự phát triển của sân khấu thành phố với một đội ngũ diễn viên, nhà quản lý năng động. Đồng thời, nó cũng có tác động tích cực đến phương thức hoạt động của Ban chấp hành Hội Sân khấu TP, luôn hướng về cơ sở, hướng đến các hội viên. Gần đây nhất, ngay mùa World Cup mà chúng ta đã tổ chức thành công đêm diễn “Dạ cổ hoài lang” tại rạp Hưng Đạo, với sự góp mặt của các hội viên, thu hút rất đông khán giả.
Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm được, tiến trình xã hội hóa sân khấu còn bộc lộ không ít nhược điểm. Sân khấu xã hội hóa đang phát triển thiếu tính chiến lược, chưa bền vững từ cơ sở vật chất đến đội ngũ diễn viên… Hiện nay, tiết mục vở diễn thì có nhưng diễn viên thì không ổn định, việc tập tuồng mới cũng rất khó khăn. Diễn viên sân khấu đang bị chi phối bởi phim truyền hình. Từ tiến trình xã hội hóa ấy cho thấy, vấn đề đang đặt ra là chúng ta phải có luật biểu diễn, phải có hành lang pháp lý để đảm bảo được tính ổn định của sân khấu.
°Như vậy trong nhiệm kỳ tới, điều gì của sân khấu cần được quan tâm nhất?
°Trong tiến trình xã hội hóa, các sân khấu đã xây dựng được thị phần trên một thị trường chung, nhưng trong tương lai, các đơn vị phải làm sao mở rộng thị phần và hướng ra quốc tế. Điều này đòi hỏi phải xây dựng cho được một hành lang pháp lý. Đồng thời, phải xây dựng những tác phẩm vừa mang tính giải trí, đạt doanh thu, nhưng lại vừa mang tính giá trị nghệ thuật cao để định hướng thẩm mỹ công chúng.
Bên cạnh đó, có một việc cần phải làm thường xuyên, đó là đẩy mạnh công tác lý luận phê bình. Bởi hiện nay, công tác lý luận phê bình đang rơi vào tình trạng phê thì nhiều mà bình thì ít. Chính công tác lý luận phê bình đang thiếu và yếu nên dễ tạo ra sự hỗn loạn của thị trường sân khấu - ai muốn nói gì thì nói và ai muốn nghe gì thì nghe.
Cũng vì thế mà chúng ta chưa thể tìm ra được một giá trị chung nhất trong từng tác phẩm. Đúng ra, nếu công tác lý luận phê bình tốt, định ra được cái chuẩn của giá trị tác phẩm sân khấu thì việc đi tìm một cái chung nhất, được nhiều người đồng tình nhất trong mỗi tác phẩm sân khấu sẽ rất dễ dàng. Nhưng nếu muốn làm được điều này, chúng ta cũng phải đẩy mạnh công tác đối thoại, càng tranh luận càng tốt, phải cọ xát với nhau, phải biết chấp nhận những cái ý kiến khác nhau.
°Ở Hội Sân khấu có những câu lạc bộ, chi hội như chi hội tác giả - đạo diễn, xiếc - ảo thuật…, vậy hướng tới chúng ta có những định hướng nào để các hoạt động này hiệu quả hơn?
°Vấn đề của các câu lạc bộ hoặc chi hội này hiện nay là kinh phí không nhiều nên rất khó hoạt động. Nhưng sắp tới đây, khi UBND TPHCM chấp nhận cho đầu tư xây dựng Trung tâm Nghệ thuật kịch nói tại 5B Võ Văn Tần, khi đó chúng ta sẽ có được một khoản tài chính do liên kết đầu tư hoạt động, sẽ dễ dàng đầu tư cho các câu lạc bộ, chi hội hoạt động mạnh hơn.
Hiện nay, một số anh em trong chi hội xiếc - ảo thuật đã lên kế hoạch tổ chức liên hoan xiếc ảo thuật quốc tế tại TPHCM. Điều này tôi nghĩ cũng sẽ dễ dàng thực hiện bởi chúng ta có được những thành viên của Hiệp hội Xiếc ảo thuật quốc tế như Z27, Tony Quang… Còn về kịch, hiện nay chúng tôi đã đi khảo sát một số điểm kịch - cà phê chuyên làm những tiết mục dành cho giới trẻ, đặc biệt là tuổi mới lớn.
°Nhưng kịch - cà phê chỉ mới nhen nhúm tự phát, vậy chúng ta có phương thức nào để hỗ trợ loại hình này phát triển một cách chuyên nghiệp hơn?
°Hầu hết các thành viên biểu diễn ở các điểm này đều tốt nghiệp từ các trường lớp ra nên cách thức làm cũng khá tốt. Có những câu chuyện, những tiết mục mà các bạn trẻ này làm, chưa chắc những người lớn có thể nghĩ ra. Cho nên sau khi đi khảo sát, vấn đề còn lại là chúng ta sẽ chọn những tiết mục tốt nhất để có thể đưa về sân khấu 5B Võ Văn Tần thực hiện như một dạng kịch mẫu của kịch - cà phê, từ đó giúp cho những ai muốn thực hiện kịch - cà phê có thể tham khảo…
°Thưa ông, ở các kỳ đại hội, việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ trong BCH Hội Sân khấu TPHCM luôn được giới sân khấu quan tâm, vậy nhiệm kỳ mới này thế nào?
°Ra ứng cử lần này, trên 60 tuổi chỉ có tôi và NSƯT Trần Minh Ngọc, còn những ứng cử viên phần nhiều từ tuổi 40 đến hơn 50. Điều quan trọng là làm sao chúng ta tìm cho ra được đội ngũ có thể vận hành tốt cỗ xe của sân khấu hiện nay, chứ không chỉ trẻ hóa không. Nếu làm được điều ấy, tôi hay NSƯT Trần Minh Ngọc dẫu không còn đứng tên trong BCH mới của Hội Sân khấu TPHCM thì cũng không sao.
Đỗ Hạnh thực hiện