Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ các nước đến trình Quốc thư

Chủ tịch nước đề nghị các Đại sứ tích cực phối hợp các cơ quan của Việt Nam triển khai tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo hai nước, tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế. Thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu mỗi bên tiếp cận vào thị trường của nhau.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ các nước đến trình Quốc thư

Sáng 5-8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp các Đại sứ Nam Phi, Saudi Arabia và Vương quốc Bỉ đến trình Quốc thư.

Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng bà Vuyiswa Tulelo được cử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam và tin tưởng Đại sứ sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là tổ chức nhiều hoạt động nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm 2023.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ các nước đến trình Quốc thư ảnh 1 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Nam Phi. Ảnh: QUẾ SƠN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ các nước đến trình Quốc thư ảnh 2 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp nhận Quốc thư từ Đại sứ Nam Phi. Ảnh: QUẾ SƠN

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Nam Phi và xác định Nam Phi là đối tác hợp tác và phát triển quan trọng. Chủ tịch nước đề nghị Đại sứ phối hợp các cơ quan Việt Nam thúc đẩy trao đổi đoàn, nhất là cấp cao.

Ở cấp độ khu vực, Việt Nam sẵn sàng ủng hộ Nam Phi tăng cường hợp tác với ASEAN, mong muốn Nam Phi ủng hộ và phối hợp chặt chẽ trong thúc đẩy hợp tác Việt Nam - châu Phi trong khuôn khổ Liên minh châu Phi.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ các nước đến trình Quốc thư ảnh 3 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng bà Vuyiswa Tulelo được cử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam. Ảnh: QUẾ SƠN

Nam Phi hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi với kim ngạch song phương năm 2021 đạt 1,3 tỷ USD. Chủ tịch nước đề nghị hai nước đẩy mạnh hợp tác theo hướng đa dạng hóa về quy mô lẫn cơ cấu hàng hóa các sản phẩm có giá trị cao, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tăng cường tiếp xúc và tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư. Song song với thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực trọng tâm như công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng - an ninh, hai nước tăng cường hợp tác về giáo dục - đào tạo, du lịch, văn hóa, chống biến đổi khí hậu. 

Đại sứ Vuyiswa Tulelo cho biết, rất vinh dự nhận nhiệm vụ tại Việt Nam và khẳng định thời gian tới sẽ tiếp túc thắt chặt quan hệ chính trị ngoại giao, thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, quốc phòng, giáo dục, đẩy mạnh giao lưu nhân dân, quảng bá về hình ảnh hai đất nước để người dân hiểu về truyền thống lịch sử cũng như quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Nam Phi.

Tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Saudi Arabia tại Việt Nam ngài Mohammed Ismaeil A.Dahlwy, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đối với Việt Nam, Saudi Arabia là một trong những đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư hàng đầu tại khu vực Trung Đông và mong muốn ngài Đại sứ sẽ thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ các nước đến trình Quốc thư ảnh 4 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Saudi Arabia tại Việt Nam ngài Mohammed Ismaeil A.Dahlwy. Ảnh: QUẾ SƠN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ các nước đến trình Quốc thư ảnh 5 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp nhận Quốc thư từ Đại sứ Vương quốc Saudi Arabia. Ảnh: QUẾ SƠN

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác, Chủ tịch nước đề nghị Đại sứ tích cực phối hợp các cơ quan của Việt Nam triển khai tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo hai nước, tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế. Đồng thời thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu thế mạnh mỗi bên tiếp cận vào thị trường của nhau. Việt Nam mong muốn Saudi Arabia sớm dỡ bỏ lệnh ngừng nhập khẩu thủy sản nuôi trồng và sẵn sàng giới thiệu các dự án có hiệu quả kinh tế cao và ưu đãi thuận lợi dành cho các doanh nghiệp Saudi Arabia đầu tư vào Việt Nam.

Liên quan cơ chế hợp tác, Chủ tịch nước đề nghị hai bên rà soát, thúc đẩy đàm phán, ký kết các văn kiện hợp tác, đặc biệt là Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định hợp tác phòng, chống tội phạm, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác như Ủy ban hỗn hợp và Tham vấn chính trị.

Đại sứ Saudi Arabia cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp đoàn và khẳng định hai bên đã có những bước phát triển tích cực trên lĩnh vực kinh tế, thương mại nhờ mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước. Đại sứ khẳng định trong nhiệm kỳ sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển về mọi mặt.

Tiếp ngài Karl Hendrik Margareta Van Den Bossche được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với Vương quốc Bỉ, tăng cường hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ các nước đến trình Quốc thư ảnh 6 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Bỉ Karl Hendrik Margareta Van Den Bossche. Ảnh: QUẾ SƠN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ các nước đến trình Quốc thư ảnh 7
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ các nước đến trình Quốc thư ảnh 8 Quang cảnh tiếp đoàn Đại sứ Bỉ. Ảnh: QUẾ SƠN

Năm 2023, hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, Chủ tịch nước đề nghị ngài Đại sứ phối hợp Bộ Ngoại giao và các cơ quan Việt Nam triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa về kinh tế, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân hai nước.

Để thúc đẩy quan hệ hợp tác, Chủ tịch nước đề nghị Bỉ tạo điều kiện cho hàng nông sản Việt Nam vào thị trường Bỉ và được phân phối tới các hệ thống bán lẻ châu Âu; thúc đẩy Nghị viện Bỉ sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU, tăng tiềm năng đầu tư giữa hai nước; thúc đẩy để EC sớm gỡ thẻ vàng IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam; hợp tác trọng tâm về nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, tăng cường hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.

Hiện Bỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ sáu của Việt Nam tại châu Âu, kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2021 đạt 4,3 tỷ USD, tăng 54%, tổng vốn FDI đạt 1,1 tỷ USD. Chủ tịch nước mong muốn trong nhiệm kỳ này, Đại sứ đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy thương mại hai chiều tăng nhanh hơn nữa.

Đại sứ Karl Hendrik Margareta Van Den Bossche cho biết Bỉ mong muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; chào đón thêm nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh tới học tại Bỉ. Với thế mạnh về năng lượng điện gió và phát triển nông nghiệp xanh, Đại sứ tin tưởng sẽ cùng Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực này, góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cảng biển cũng là thế mạnh, Bỉ mong hợp tác để hàng hóa Việt Nam tiến sâu hơn nữa vào thị trường châu Âu.

Tin cùng chuyên mục