Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Loại trừ tham nhũng bất kể lớn nhỏ

Nhiều vụ án tham nhũng với tài sản rất lớn nhưng chỉ bỏ tù đối tượng tham nhũng, trong khi tiền và tài sản của Nhà nước chưa thu hồi được thì mới chỉ thành công được một nửa.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc cử tri TPHCM. Ảnh: Việt Dũng
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc cử tri TPHCM. Ảnh: Việt Dũng
 Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ như trên khi tiếp xúc cử tri các quận 1, 3 và 4 (TPHCM) vào chiều 13-10.

Cử tri Lý Tuấn Ngọc (quận 4) bày tỏ bức xúc trong việc cấp phép cho Công ty Pharma nhập thuốc giả chữa bệnh ung thư. Cử tri Ngọc nhấn mạnh thuốc phải đảm bảo chất lượng, có hóa đơn chứng từ và nguồn gốc rõ ràng. Thế nhưng vì sao bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma, đơn vị nhập thuốc giả) vẫn “qua mặt” cơ quan chức năng, được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép nhập khẩu rất nhanh? Đây là điều bất thường nên không loại trừ có sự thông đồng, tiếp tay hoặc thiếu trách nhiệm của cán bộ liên quan. Từ đó, cử tri Ngọc đề nghị các ĐBQH có ý kiến đến các cơ quan liên quan thanh, kiểm tra và xử lý các cán bộ có liên quan; đồng thời xem xét về tội danh cùng mức án mà TAND TP đã tuyên đối với các bị cáo.

Đồng tình, cử tri Hoàng Thị Lợi (quận 1) đề cập cụ thể đến việc mở rộng xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các cán bộ quản lý của Cục Quản lý dược của Bộ Y tế. Liên quan đến vấn đề phòng chống tham nhũng, cử tri Lợi đặt vấn đề: “Đồng lương thấp nhưng tiền đâu công chức sắm biệt thự, cho con đi học nước ngoài?” và dẫn chứng trong 10 năm mà cả nước chỉ phát hiện được 2 trường hợp kê khai tài sản không trung thực. Như vậy, việc kê khai, giám sát tài sản thời gian qua không hiệu quả. Vì vậy, cử tri Lợi đề nghị nên có định chế kiểm soát tài sản của các quan chức cấp cao. 

Nhiều ý cử tri khác cũng đánh giá cao các nỗ lực chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua. Tuy nhiên, tệ nạn tham nhũng vẫn tồn tại nhiều nơi, làm mất niềm tin của người dân nên cần có những giải pháp cụ thể, quyết liệt xử lý.

Thay mặt tổ đại biểu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng ghi nhận những ý kiến góp ý, tiếp thu các ý kiến phản ánh của cử tri và khẳng định phòng chống tham nhũng là vấn đề toàn Đảng, toàn dân rất quan tâm. “Tham nhũng là quốc nạn. Đấu tranh phòng chống tham nhũng được coi là chống “giặc nội xâm” để bảo vệ Đảng và Nhà nước”, Chủ tịch nước nhấn mạnh và cho biết Trung ương, đặc biệt là Tổng Bí thư đã chỉ đạo quyết liệt trong công tác này. Đến nay, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đạt được kết quả bước đầu tích cực. Nhiều vụ tham nhũng lớn đã được phát hiện, xử lý và có các bản án nghiêm khắc được dư luận đồng tình. Thậm chí, có đối tượng đã bị tuyên án, vào trại giam rồi song vẫn bị điều tra về các hành vi sai phạm khác để tiếp tục xử lý.

Theo Chủ tịch nước, tham nhũng lớn thì đe dọa đến tồn vong của chế độ. Tuy nhiên, tham nhũng vặt lại làm gây bức xúc, khó chịu cho người dân. Vì vậy, tất cả các hành vi tham nhũng bất kể lớn nhỏ phải bị đấu tranh để loại trừ. Chủ tịch nước cho rằng trong thời gian tới cần tập trung xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc sách nhiễu người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần thường xuyên thực hiện có hiệu quả hoạt động thanh tra công vụ và cơ chế kiểm tra, giám sát để phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm. “Trước đây, chúng ta nói chưa xử lý được cán bộ có chức vụ cao có hành vi tham nhũng nhưng vừa qua Trung ương đã chỉ đạo xử lý nhiều vụ, nhiều cán bộ cấp cao vi phạm. Điều này thể hiện sự kiên quyết, không có vùng cấm trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chiều 13-10, các đại biểu Quốc hội Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; Phạm Phú Quốc - Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM đã tiếp xúc cử tri quận 10 TPHCM trước kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV.

Tại buổi tiếp xúc, nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhất của cử tri là hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Cử tri cho rằng để lấy lại niềm tin từ nhân dân thì các ngành thanh tra, viện kiểm sát, tòa án, công an phải đưa ra giải pháp và có hình thức xử lý hình sự thật nghiêm tất cả quan chức phạm tội, không có vùng cấm, không giơ cao đánh khẽ, không bao che, vị nể; kiên quyết tịch thu tài sản tham ô trả lại cho đất nước, cho nhân dân. Như vậy chế tài xử lý mới đủ sức răn đe đối với tội phạm tham nhũng.

Sáng cùng ngày, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cùng tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 4 đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 5 (TPHCM). Trước nhiều ý kiến của cử tri về vấn đề tham nhũng, phát triển kinh tế, giáo dục…, các đại biểu Quốc hội cam kết tiếp thu nghiêm túc và truyền đạt đầy đủ đóng góp của cử tri quận 5 tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV. 

ÁI CHÂN - KỲ LÂM

Tin cùng chuyên mục