(SGGP).– Ngày 14-12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đi thăm, tặng quà bà con bị thiệt hại nặng nề do đợt lũ tháng 11-2013 tại tỉnh Quảng Ngãi.
Tại xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà, nơi bị thiệt hại nặng nề của đợt lũ vừa qua, báo cáo với Chủ tịch nước và đoàn công tác, đợt lũ xảy ra trên địa bàn huyện khiến 2 người bị thương, 47 nhà bị trôi và sập hoàn toàn, 393 nhà bị xiêu vẹo, 1.987 nhà bị ngập nước, 10.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ lụt. 2.500 hộ dân vùng xung yếu được di dời kịp thời. Huyện Sơn Hà bị thiệt hại khoảng 72 tỷ đồng.
Riêng thôn Xà Nay nằm trong họng lũ nên có nhiều nhà dân bị lũ cuốn trôi, phải làm nhà tạm, nhà bạt để ở. Sau lũ, huyện Sơn Hà đã nhận được 25 tấn gạo hỗ trợ, nhận đủ kinh phí hỗ trợ cho các gia đình cho 47 nhà bị sập và trôi hoàn toàn (mỗi nhà 30 triệu đồng), đảm bảo trước Tết Nguyên đán cơ bản làm xong nhà. Huyện đã được 45 đoàn cứu hộ về giúp đỡ bà con vùng lũ với khoảng 7.000 thùng mì tôm, 25 tấn gạo (quy ra tiền khoảng 3 tỷ đồng).
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương tính chủ động trong phòng chống lũ đợt vừa qua của các cấp chính quyền Quảng Ngãi; công tác cứu trợ kịp thời của địa phương bạn. Chủ tịch nước đề nghị cần quy hoạch dân cư tại những vùng bị ngập lụt, sạt lở. Phải tính toán quy hoạch sao cho người dân ở các khu dân cư có thể ổn định cuộc sống lâu dài, sau này bão lũ xảy ra phần thiệt hại sẽ ít hơn.
Đối với các công trình công cộng như trường học, trạm y tế, chợ, trung tâm văn hóa… cấp xã, thôn, nên nâng cấp cao tầng để khi có lũ lụt, bà con tạm trú tại đó chờ lũ rút sẽ về nhà. Phần bảo vệ tính mạng sẽ đảm bảo tương đối triệt để.
Về sản xuất, Chủ tịch nước đề nghị tính kỹ, kể cả ngắn hạn và dài hạn. Năm hết, tết cận kề, Chủ tịch nước căn dặn chính quyền địa phương chăm lo và ngay bản thân người dân tự lực, tự cường nhanh có nhà cửa đàng hoàng, có đồng ra đồng vào, tết vui vẻ.
Chủ tịch nước đề nghị ngoài đối phó với lũ lụt khi xảy ra cũng như những ứng phó sau lũ, phải tính toán đến biện pháp dài hơi hơn để nếu có xảy ra những cơn lũ lớn sau này, ít xảy ra thiệt hại. Cốt yếu theo Chủ tịch nước vẫn là vấn đề giữ rừng và phát triển rừng. Nếu chăm sóc tốt, có các thảm rừng tốt thì mức độ tàn phá do lũ sẽ chậm hơn và ít hơn, ngược lại sẽ nhanh hơn và khốc liệt hơn. Lâu nay, Bộ NN-PTNT, cơ quan chuyên môn của Quốc hội cũng lo, nhưng qua biến đổi khí hậu, những trận lũ lớn ở miền Trung, mũi Cà Mau bị xâm thực, biển phía Tây của Kiên Giang bị sạt lở… diễn ra với tốc độ nhanh, Chủ tịch nước gợi ý nên chăng phải gia tăng tốc độ và quy mô ứng xử. Với miền Trung và Quảng Ngãi nói riêng phải tính toán đến quy mô rừng đầu nguồn. Tính toán đầu tư sao cho mạnh tay, đúng mức hơn và sớm hơn, chứ để chậm trễ thì không ai khác chính mình phải trả giá cho sự biến đổi khí hậu này.
Dịp này, Chủ tịch nước đã trực tiếp tặng quà đến 11 gia đình có nhà bị lũ cuốn trôi, người thiệt mạng và 120 phần quà khác cho bà con vùng lũ các xã Sơn Nham (Sơn Hà), Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) và Hành Tín Tây (huyện Nghĩa Hành); tặng tượng trưng 300 con bò lai sind (khoảng 2,4 tỷ đồng) từ Ngân hàng bò của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho tỉnh Quảng Ngãi để bà con tái chăn nuôi, tái đàn sớm ổn định cuộc sống.
* Kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944 – 22-12-2013), ngày 14-12, đoàn Ban Chỉ đạo điều hành phối hợp giữa lực lượng vũ trang với đoàn thể chính trị - xã hội TPHCM (Ban Dân vận Thành ủy, Thành đoàn, Hội LHPN, Hội Chữ thập đỏ…) tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, trao quà (trị giá 350.000 đồng/phần) tặng 200 gia đình chính sách, gia đình có công cách mạng, hộ dân nghèo tại huyện Cần Giờ. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP, tham dự đoàn.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà đã dẫn đầu đoàn tiếp tục đến thăm hỏi sức khỏe, tặng quà các mẹ Việt Nam anh hùng Đoàn Thị Thê ở thị trấn Cần Thạnh và mẹ Lê Thị Tiệm ở xã Lý Nhơn. Đoàn cũng đã trao tặng 2 căn nhà tình thương (trị giá 30 triệu đồng/căn), 2 căn nhà tình bạn (trị giá 30 triệu đồng/căn) và trao tặng 4.000 cuốn tập cho học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn huyện.
HÀ MINH - HỒNG HIỆP