“…Tôi muốn nghe sự thật chứ không phải những lời hoa mỹ” - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo SGGP nhân dịp tiếp xúc cử tri tại TPHCM.
- PV: Thưa Chủ tịch nước, sau một ngày tiếp xúc với đông đảo cử tri TPHCM với khá nhiều vấn đề đại sự quốc gia được cử tri đặt ra, Chủ tịch nước đánh giá như thế nào?
Chủ tịch nước TRƯƠNG TẤN SANG: Tôi rất vui mừng khi tiếp xúc với bà con cử tri TPHCM. Tôi rất cảm động khi trở lại UBMTTQ TP để tiếp xúc với các cử tri là nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo và các thành viên Mặt trận- những người tôi từng thân quen, thậm chí còn hiểu rõ tâm tính của nhau. Tôi cảm nhận không khí tiếp xúc khá nóng, nhưng rất đúng và rất sát thực tế cuộc sống. Theo tôi đó là tín hiệu đáng mừng vì chừng nào cử tri còn nóng lòng với tình hình đất nước, chừng đó mọi người vẫn còn có trách nhiệm cao đối với vận mệnh đất nước. Tôi rất hoan nghênh và cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết, chân thành của bà con cử tri TP. Chỉ lo khi nào cử tri tỏ ra nguội lạnh trước những vấn đề bức xúc của cuộc sống, chứ khi bà con còn tích cực đóng góp ý kiến tôi rất đỗi vui mừng và ghi nhận. Tôi rất thích thú khi đón nhận những ý kiến chân thành, thẳng thắn của cử tri, bởi tôi muốn nghe sự thật chứ không phải những lời hoa mỹ.
Trong một ngày, cử tri đã đặt nhiều câu hỏi vì sao chống tham nhũng tiêu cực chưa hiệu quả? Vì sao còn để tình trạng thất thoát tài sản quá lớn tại Vinashin, Vinalines? Việc bổ nhiệm cán bộ tại Bộ Giao thông Vận tải có nhiều khuất tất; việc cấp đất tại Tây Nguyên; người lao động nước ngoài tại VN; tình hình an ninh quốc phòng, tệ nạn xã hội, quá tải y tế, bất cập trong giáo dục… Riêng về vấn đề biển Đông, cử tri ít nhắc tới vì Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Các thành viên Mặt trận có ý kiến khá toàn diện về các vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, tham nhũng, lãng phí, tệ nạn xã hội… Đa số cử tri yêu cầu cần sớm làm trong sạch bộ máy chính quyền các cấp và tổ chức Đảng, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trước những vấn đề hệ trọng quốc gia. Trung ương Đảng sẽ họp kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (NQTƯ 4) trong năm nay. Theo đó cán bộ các cấp từ trung ương đến cơ sở đều phải nghiêm túc thực hiện kiểm điểm và cấp trung ương phải thực hiện trước.
- Nhiều cử tri tỏ ra chưa hài lòng về việc nhận trách nhiệm qua loa của một số cán bộ lãnh đạo? Vậy theo Chủ tịch nước, cần có giải pháp gì để cán bộ phải thực hiện song hành cả quyền và trách nhiệm?
Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm, bãi nhiệm các chức danh được bầu và phê chuẩn. Đảng cũng sẽ bỏ phiếu tín nhiệm qua kiểm điểm cá nhân lần này. Đây là một biện pháp tích cực nhằm tăng cường trách nhiệm cá nhân và cũng là biện pháp hữu hiệu để rèn luyện cán bộ, góp phần đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.
- Trong công tác kiểm tra kê khai tài sản của cán bộ các cấp, cử tri đã có nhiều nghi ngờ về kết quả kê khai tài sản không đúng với thực tế. Chủ tịch nước có ý kiến gì về vấn đề này?
Chủ trương cán bộ kê khai tài sản đã có từ nhiều năm trước, nhưng đến nay kết quả thực tế còn rất hạn chế. Tới đây chắc chắn sẽ bổ sung thêm các giải pháp hữu hiệu hơn trong vấn đề này.
- Qua vụ việc con trai Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương có tòa nhà đồ sộ, cử tri cho rằng trong một bộ phận cán bộ còn nhờ người khác đứng tên tài sản, vậy làm thế nào để minh bạch tài sản của số cán bộ này?
Luật Phòng chống tham nhũng ra đời từ mấy năm qua nhưng hiệu quả còn rất nhiều hạn chế. Để giải quyết tận gốc vấn đề kiểm soát tài sản, theo tôi đã đến lúc cần phải thu hẹp dần và sớm tiến đến chấm dứt giao dịch bằng tiền mặt quá nhiều trong xã hội, trong nền kinh tế như lâu nay. Kế đến phải công khai hóa tài sản và đặc biệt quan tâm đến dư luận của xã hội, của báo chí, không bỏ qua những thông tin về tài sản không minh bạch của cán bộ mà phải được làm rõ và xử lý có hiệu quả. Như vậy, việc kiểm soát kê khai tài sản của cán bộ mới đạt kết quả như mong đợi.
- Một trong những vấn đề cốt lõi của NQTƯ 4 đề ra là phải xây dựng chỉnh đốn Đảng có hiệu quả. Vậy theo Chủ tịch nước phải làm gì để thực hiện tốt nhiệm vụ này?
Đúng vậy, ngay tiêu đề của NQTƯ 4 đã ghi rõ: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, trong đó đặc biệt lưu ý về vấn đề trọng tâm là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Vì vậy, muốn thực hiện tốt nhiệm vụ này cần gắn NQTƯ 3 về chống tham nhũng với NQTƯ 4 về công tác xây dựng Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị Trung ương 5 là phải đẩy lùi tham nhũng. Hội nghị TƯ 5 đã nhất trí thành lập Ban Chỉ đạo chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị và Tổng Bí thư làm Trưởng ban chỉ đạo.
- NQTƯ 5 vừa quyết định thay đổi Ban chỉ đạo chống tham nhũng Trung ương. Liệu kết quả đạt được sẽ như thế nào?
Mục tiêu chống tham nhũng là không thay đổi, tuy có đạt một số kết quả nhất định, song vẫn chưa đẩy lùi được tham nhũng, thậm chí có mặt còn nghiêm trọng hơn, vì thế đòi hỏi phải chống tham nhũng triệt để hơn. Trước khi thực hiện công tác này, Trung ương đã cân nhắc rất kỹ về bộ máy chống tham nhũng cần được thay đổi và do Tổng Bí thư đứng đầu. Điều này cho thấy Đảng ta đã thể hiện quyết tâm rất cao, rất mạnh mẽ trong công tác phòng chống tham nhũng. Tổng Bí thư cũng đã nói đến “lợi ích nhóm”, cho nên càng phải có biện pháp quyết liệt hơn.
- Theo Chủ tịch nước, việc thực hiện NQTƯ 4 liệu có thành công không? Đây là vấn đề mà rất nhiều cử tri đặc biệt quan tâm?
Cần phải khẳng định và tỏ rõ quyết tâm rằng: việc thực hiện NQTƯ 4 dứt khoát phải thành công, đó là mệnh lệnh từ trái tim và từ cuộc sống vì không còn con đường nào khác! Thực hiện thành công NQTƯ 4 là đáp ứng lòng mong đợi, đòi hỏi của Đảng và của dân. Hơn thế, đây là yếu tố quyết định sự sống còn của chế độ, của Đảng ta và của tương lai đất nước. Tôi không tán thành giả thuyết “nếu không thành công” mà cần khẳng định một cách dứt khoát rằng: NQTƯ 4 phải thành công và chỉ có một con đường duy nhất là phải thành công mà thôi!
Minh Ngọc (thực hiện)