Nhận lời mời của Quốc vương Malaysia Tuanku Mizan Zainal Billah Shah và Hoàng hậu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Malaysia từ ngày 28 đến 30-9.
Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã được tổ chức trọng thể chiều 28-9 tại Tòa nhà Quốc hội ở thủ đô hành chính Putrajaya.
Sau lễ đón, Thủ tướng Malaysia Najib Tun Abdul Razak và phu nhân đã đến chào Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao việc Malaysia luôn duy trì là một trong những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2010 đạt 5,5 tỷ USD và hiện có gần 390 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 19 tỷ USD.
Hai bên nhất trí, trên cơ sở quan hệ chính trị và kinh tế tốt đẹp hiện nay, hai nước có nhiều cơ hội để tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác như an ninh, quốc phòng, lao động, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch...
Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề khu vực cùng quan tâm và cam kết cùng các nước ASEAN nỗ lực đẩy nhanh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, tăng cường vai trò chủ đạo của ASEAN trong việc đem lại hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực. Về vấn đề biển Đông, hai bên nhấn mạnh cần đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông.
* Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore, ngày 28-9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hội kiến cùng Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
Tại buổi tiếp xúc, hai bên cam kết cùng các nước thành viên ASEAN khác nỗ lực đẩy nhanh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, đánh giá cao vai trò quan trọng của ASEAN trong thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực. Về biển Đông, hai nhà lãnh đạo chia sẻ quan điểm chung về việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS); hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc thông qua Bản Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC; cho rằng cần sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định Singapore sẽ tiếp tục hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam trong quá trình đàm phán hiệp định này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Hà Lan
* Triển khai các chương trình đối phó biến đổi khí hậu và quản lý nước
Sáng 28-9, tại Phủ Thủ tướng Hà Lan đã diễn ra lễ đón trọng thể Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đang thăm chính thức Vương quốc Hà Lan. Ngay sau lễ đón, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã có cuộc hội đàm trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác trong 5 lĩnh vực ưu tiên là thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, dầu khí, cảng biển, dịch vụ hậu cần… và đẩy mạnh việc triển khai Thỏa thuận đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước.
Thủ tướng Mark Rutte khẳng định Hà Lan mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ nhiều mặt cùng có lợi với Việt Nam, một thị trường mới nổi nhiều tiềm năng tại khu vực châu Á.
Về đầu tư - thương mại, Hà Lan hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất của Việt Nam và là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu (Hà Lan hiện có 153 dự án đang hoạt động ở Việt Nam với số vốn đầu tư 5,6 tỷ USD, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2010 đạt gần 2 tỷ USD và 8 tháng đầu năm 2011 đạt hơn 1,76 tỷ USD). Hợp tác trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước đã đi vào giai đoạn cụ thể khi hai bên đang hoàn tất và triển khai các chương trình hợp tác lớn.
Về lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ Đối tác chiến lược, Việt Nam mong muốn Chính phủ Hà Lan quan tâm hỗ trợ Việt Nam xây dựng Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu và mở rộng nghiên cứu quy hoạch đồng bằng sông Hồng; xây dựng hợp tác Dịch vụ khí hậu và nước nhằm triển khai sáng kiến của Tổ chức Khí tượng thế giới; xây dựng các giải pháp thiết kế đê biển, hỗ trợ công nghệ, thiết bị quản lý đê biển; trồng rừng chắn sóng bảo vệ đê...
Hai Thủ tướng nhất trí cho rằng quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư giữa hai nước còn rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác hơn nữa. Hai bên cũng nhất trí cần tiếp tục củng cố các cơ chế hợp tác hiện có, nhất là khuôn khổ Đối tác chiến lược Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại, hợp tác đầu tư giữa hai nước, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, dầu khí, năng lượng, cảng biển và dịch vụ hậu cần.
Ngay sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã chứng kiến lễ ký kết Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận tải hàng không Việt Nam - Hà Lan và Bản ghi nhớ giữa Bộ Tài nguyên - Môi trường Việt Nam và Bộ Hạ tầng và Môi trường Hà Lan về xây dựng dịch vụ khí hậu.
Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã tham dự Hội nghị bàn tròn với các tổng giám đốc điều hành một số tập đoàn hàng đầu của hai nước. Tại cuộc họp, hai Thủ tướng khẳng định đây là cơ hội để hai bên trao đổi những vấn đề về chính sách và biện pháp tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước.
TTXVN