LTS: Ngày 26-10, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, đã tới dự và phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ XV Đảng bộ TP Hà Nội. Báo SGGP xin trích giới thiệu bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Trên cơ sở định hướng chung đó, các đồng chí cần tập trung thảo luận, làm sâu sắc thêm chủ đề đại hội của thành phố và cũng là quyết tâm chính trị của Đảng bộ Hà Nội nêu trong Báo cáo chính trị là: “Phát huy truyền thống 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”; đồng thời lưu ý thêm một số vấn đề sau đây:
Một là, xuất phát từ vị thế, vai trò của thủ đô, trên cơ sở đánh giá đúng thời cơ, thuận lợi, khó khăn thách thức, kế thừa và phát huy những kinh nghiệm đã có, Hà Nội cần có quyết tâm rất cao, tạo bước chuyển biến thật mạnh trong 5 năm tới. Có biện pháp huy động tối đa sức mạnh tổng hợp trên địa bàn để xây dựng và phát triển thủ đô xứng đáng với vai trò là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục; trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hà Nội phải phấn đấu về đích sớm hơn 1 - 2 năm để góp phần cùng cả nước thực hiện được mục tiêu cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Để thực hiện tốt yêu cầu cơ bản đó, toàn Đảng bộ, cả hệ thống chính quyền, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của thành phố cần phát huy hơn nữa tinh thần năng động, sáng tạo, tiếp tục đổi mới tư duy, đổi mới phong cách lãnh đạo, tổ chức điều hành công việc, bảo đảm hiệu quả, thiết thực; khắc phục tình trạng ngại việc khó, né tránh trách nhiệm trong điều hành, xử lý công việc. Tiếp tục thực hiện thật tốt các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá của Thành phố đã được nêu trong Báo cáo chính trị, nhằm tạo bước chuyển biến mới trên các lĩnh vực công tác.
Hai là, phải tích cực đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế thủ đô, đặc biệt coi trọng yêu cầu phát triển bền vững, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm từ 12% trở lên. Trên cơ sở cơ cấu kinh tế đã được xác định (dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp), phải hướng mạnh vào phát triển các ngành, lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao, kỹ thuật cao; công nghiệp có trình độ công nghệ và hàm lượng chất xám cao, giảm thiểu tới mức thấp nhất ô nhiễm môi trường; phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với xây dựng Hà Nội xanh, sạch, đẹp.
Ba là, đặc biệt coi trọng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng, phát triển. Hà Nội phải chủ động phối hợp với các bộ, ngành của Trung ương để sớm hoàn thiện các quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể sau khi địa giới hành chính đã được mở rộng, theo hướng đồng bộ, ổn định, lâu dài; đẩy nhanh việc xây dựng quy hoạch chi tiết, quy hoạch ngành, lĩnh vực; tăng cường đầu tư đồng bộ hạ tầng đô thị, kinh tế - xã hội, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung làm cơ sở để đẩy nhanh tiến trình xây dựng thủ đô văn minh, hiện đại. Tập trung giải quyết tốt những vấn đề dân sinh bức xúc, trước hết là nhà ở đô thị, cấp thoát nước, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự giao thông, vệ sinh môi trường; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; đẩy nhanh việc di dời một số cơ sở sản xuất, một số trường đại học, cơ sở khám, chữa bệnh ra xa trung tâm thành phố nhằm giảm mật độ dân cư ở nội đô.
Bốn là, tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng văn hóa và con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc, cho lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, tôn trọng pháp luật. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển; thành phố cần huy động mọi tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hóa cho phát triển giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thành phố và yêu cầu chung của vùng và cả nước. Đẩy mạnh tiến trình xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn.
Năm là, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm tuyệt đối an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; phối hợp tốt giữa lực lượng quân đội và công an của thành phố, giữa lực lượng vũ trang thủ đô với các lực lượng vũ trang của Trung ương đóng trên địa bàn và các tỉnh, thành trong cả nước, chủ động nắm và xử lý tốt các tình huống, không để xảy ra bất ngờ.
Sáu là, tập trung mọi nỗ lực tạo sự chuyển biến mạnh hơn nữa trong công tác xây dựng, đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên. Tiếp tục phát huy và mở rộng dân chủ trong Đảng, đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Thực hiện đồng bộ, sâu rộng và có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với công tác xây dựng Đảng bộ và bộ máy chính quyền các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tâm huyết với công việc, có tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước dân, luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết; không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất, đạo đức và lối sống. Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, chống những hành vi tham nhũng, quan liêu, lãng phí, tiêu cực.
Bảy là, thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước; xây dựng và phát triển thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội; đồng thời cũng là trách nhiệm của trung ương và cả nước. Vì vậy, tôi đề nghị thành phố cần chủ động hơn nữa trong việc tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương; đồng thời, các bộ, ban, ngành trung ương cần phát huy cao hơn nữa trách nhiệm của mình, quan tâm, phối hợp chặt chẽ với thành phố, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, nhất là về cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, các nguồn lực đầu tư, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố. Cán bộ, công chức các cơ quan trung ương sống và làm việc trên địa bàn thủ đô cũng phải nêu gương chấp hành luật pháp, chấp hành các quy định của thành phố, tham gia vận động quần chúng, hưởng ứng các phong trào thi đua, đóng góp thiết thực cho thành phố...
>> Toàn văn bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng