Chủ tịch Quốc hội: Sẽ nghiên cứu, ban hành các cơ chế chính sách đặc thù cho vùng để tạo tính lan tỏa cao

Sau này, nếu có cơ chế chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội thì sẽ cho vùng chứ không có đặc thù cho từng địa phương nữa (trừ việc áp dụng mô hình chính quyền đô thị ở một số địa phương).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: QUANG PHÚC
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: QUANG PHÚC

Chiều 24-5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội cho phép tỉnh Khánh Hòa được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, không phải tỉnh nào “xin” cơ chế, chính sách đặc thù cũng được mà phải có căn cứ chặt chẽ. Khánh Hòa có đặc thù về vị trí địa lý, nằm ở trung tâm các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước; có quần đảo Trường Sa, quân cảng Cam Ranh, là tâm điểm kết nối giữa vùng Tây Nguyên với Nam Trung bộ.

Việc phát triển tỉnh Khánh Hòa có vai trò quan trọng trong giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; tác động lan tỏa vùng miền. Bộ Chính trị cũng đã có Nghị quyết số 09-NQ/TW khẳng định rõ yêu cầu cần có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, trong đó nêu rõ Khánh Hòa phải trở thành một trong những hình mẫu về kết hợp giữa phát triển kinh tế, quốc phòng và an ninh.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chủ trương chung của Trung ương là giao cho Chính phủ vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách, pháp luật hiện có để có các chính sách đặc thù cho từng vùng. Nếu cần thiết, Quốc hội sẽ nghiên cứu, ban hành các cơ chế chính sách đặc thù cho vùng ở mức cao hơn để có tính liên kết vùng, tính lan tỏa vùng cao hơn.

Những cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương mà Quốc hội đã quyết định và đang bàn (Khánh Hòa) tới đây sẽ tổng kết, đánh giá để đưa thành các quy định mang tính phổ quát chung. Sau này, nếu có cơ chế chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội thì sẽ cho vùng chứ không có đặc thù cho từng địa phương nữa (trừ việc áp dụng mô hình chính quyền đô thị ở một số địa phương).

Dự thảo nghị quyết cho phép Khánh Hòa được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù hiện đã được Quốc hội cho phép áp dụng với một số địa phương khác như: hàng năm ngân sách Trung ương (NSTW) bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu NSTW từ một số khoản thu phân chia và một số khoản thu NSTW hưởng 100% so với dự toán; được vay không quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 và trong thời gian thực hiện nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; HĐND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, dự thảo nghị quyết có thêm 4 cơ chế, chính sách mới so với các địa phương khác, trong đó có tách hỗ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công và phát triển Khu kinh tế Vân Phong.

Với các cơ chế, chính sách này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, dự thảo Nghị quyết đã thiết kế các “van”, “khóa” rất chặt chẽ. Ví dụ, cơ chế chính sách về chuẩn bị thu hồi đất, lập đề án như thế nào, ai có thẩm quyền, kết quả đo vẽ phải được sử dụng làm căn cứ pháp lý để sau này tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng…

“Trong quá trình cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khuyến cáo phải làm công tác truyền thông cho tốt, tránh tình trạng bắt đầu động vào kiểm đếm, đo đạc đất đai thì giá đất lại tăng, sốt”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đa số ý kiến đại biểu ủng hộ có nghị quyết và lưu ý vấn đề bảo đảm chủ quyền biển đảo, bảo đảm quốc phòng an ninh vì Khánh Hòa là địa phương có có quần đảo Trường Sa, khu căn cứ quân sự Cam Ranh. Đồng thời, nghị quyết cần có những quy định mang tính hàng rào kỹ thuật khi thực hiện chính sách này. ĐB Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) cho rằng, dự thảo nghị quyết phải khẳng định nhà đầu tư nước ngoài không được đồng sở hữu bến cảng, sân bay.

Chủ tịch Quốc hội: Sẽ nghiên cứu, ban hành các cơ chế chính sách đặc thù cho vùng để tạo tính lan tỏa cao ảnh 1 Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ chiều 24-5. Ảnh: VIẾT CHUNG
* Trong chiều 24-5, Quốc hội thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Các đại biểu băn khoăn liệu dự án có thực hiện đúng tiến độ hay không. Theo đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên), trong 5 năm qua (2017-2021), việc triển khai dự án chỉ đạt khoảng 8% tổng khối lượng và đã chậm gần 2 năm so với yêu cầu. Những thiệt hại này có thể định lượng được không, có biểu hiện của lãng phí không? Cơ quan chủ trì dự án cần có câu trả lời trước Quốc hội về vấn đề này. Chính phủ làm rõ tổng nhu cầu vốn đầu tư để nối thông toàn tuyến. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, Chính phủ phải tính toán vốn cho dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, tránh đầu tư rồi bỏ dở dang. 

Tin cùng chuyên mục