Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng: Chúng ta đấu tranh trong hòa bình, nhưng phải có trọng tài

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng: Chúng ta đấu tranh trong hòa bình, nhưng phải có trọng tài

Sáng 21-5, bên hành lang Quốc hội, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trao đổi xung quanh vấn đề biển Đông.

- Phóng viên: Quốc hội đã nghe Chính phủ trình bày báo cáo về tình hình biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; chủ trương và giải pháp của Việt Nam. Ông có quan điểm như thế nào?

ông Đặng Ngọc Tùng

ông Đặng Ngọc Tùng

>> Ông ĐẶNG NGỌC TÙNG: Âm mưu của Chính phủ Trung Quốc cho đến thời điểm này vẫn không thay đổi. họ vẫn muốn chiếm biển Đông và âm mưu đó được tiến hành một cách có tính toán, bài bản, như là được lập trình sẵn. Tuy nhiên, chúng ta phải thật bình tĩnh, khôn ngoan để xử lý vấn đề làm sao có lợi nhất và không manh động, không rơi vào âm mưu của Trung Quốc. Họ đang muốn chúng ta nổ súng trước để họ có cớ sử dụng sức mạnh của họ. Tuy Việt Nam là một nước nhỏ nhưng thế mạnh của chúng ta là chân lý, lẽ phải, là sự đồng tình của nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình. Ta còn có sức mạnh là tinh thần đoàn kết, ý chí của nhân dân Việt Nam một lòng. Chúng ta phải sử dụng sức mạnh đó một cách khôn khéo nhất bằng cách đấu tranh, chống lại sự ngang ngược của Trung Quốc bằng biện pháp hòa bình, bằng luật pháp quốc tế, mà ở đây là Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982.

Trung Quốc vừa tham gia vào Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, tham gia và ký kết DOC năm 2002. Họ luôn tuyên bố là họ tôn trọng luật pháp quốc tế, vậy thì phải có người phân xử ai mới là người tôn trọng luật pháp quốc tế. Theo quan điểm cá nhân tôi, ngoài việc dùng sức mạnh chúng ta đang có là chân lý, lẽ phải, chúng ta cũng phải đưa vụ việc ra trọng tài quốc tế. Hai bên đấu tranh với nhau thì phải có trọng tài để phân xử. Chúng ta đấu tranh trong hòa bình, nhưng phải có trọng tài.

- Ông có đề xuất gì với Chính phủ trong việc xem xét vấn đề này?

Tôi tán thành chủ trương, giải pháp mà Chính phủ đưa ra trong thời gian qua để đối phó với hành động ngang ngược của Trung Quốc, kể cả việc chuẩn bị đầy đủ hồ sơ pháp lý khi đưa ra luật pháp quốc tế nếu cần. Chính phủ phải tính toán kỹ lưỡng đường đi nước bước, chậm mà chắc, đấy mới là quan trọng. Tôi hoàn toàn đồng tình với hướng giải quyết của Chính phủ trong thời gian tới. Nhân dân Việt Nam vẫn luôn nhớ sự giúp đỡ của cả thế giới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó có nhân dân Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc phải tôn trọng lẽ phải, tôn trọng luật pháp quốc tế chứ không thể hành động ngang ngược như thế. Nếu vi phạm chủ quyền thiêng liêng thì tôi chắc chắn, 90 triệu người dân Việt Nam là một, để chống lại hành động ngang ngược này.

- Vừa qua có việc đáng tiếc là công nhân ở một số địa phương khi biểu tình biểu thị lòng yêu nước đã có hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản của nhà nước, cá nhân, doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Đến nay, Tổng LĐLĐ đã có động thái cụ thể nào để góp phần ổn định tình hình?

Tôi xin khẳng định một lần nữa tấm lòng yêu nước của người lao động chúng ta phải trân trọng và đánh giá cao, nhưng chúng ta đừng để điều đó bị lợi dụng, phục vụ cho những âm mưu của kẻ thù. Tình trạng xảy ra ở Bình Dương, Hà Tĩnh chúng ta thấy rất rõ đâu là kẻ chủ mưu, xúi giục công nhân. Khi công an bắt giữ bọn cầm đầu này đã rõ tuyệt đại đa số là bọn tội phạm, không có công ăn việc làm chứ không phải công nhân. Tôi khẳng định không một công nhân nào đập nhà máy. Chính bọn tội phạm lợi dụng lòng yêu nước của công nhân, kéo đến đập phá nhà xưởng.

PHAN THẢO

- Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: Việt Nam thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình

- Gửi thông cáo về tình hình biển Đông lên LHQ

- Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry về vấn đề biển Đông

Tin cùng chuyên mục