Chủ tịch UBND quận có thể cách chức chủ tịch UBND phường

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019-2021; mở rộng địa giới hành chính thành phố Hải Dương; điều chỉnh địa giới một số phường, xã; thành lập 2 phường Tân Hưng và Nam Đồng thuộc thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa và thành lập thị trấn Nưa thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa; thành lập 3 phường Hòa Long, Nam Sơn, Kim Chân thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cũng đã được UBTVQH biểu quyết thông qua với tỷ lệ 100% thành viên UBTVQH có mặt tán thành.

Cuối ngày làm việc, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội.

Theo đó, khi thực hiện thí điểm thì tại những phường nơi thực hiện thí điểm, HĐND phường chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc, UBND phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND phường nhiệm kỳ 2021 - 2026 được thành lập.

Khi thực hiện thí điểm sẽ xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp thành phố và quận) và cơ quan hành chính tại phường ở khu vực đô thị; mô hình tổ chức ba cấp chính quyền (cấp thành phố; cấp huyện, thị xã và xã, thị trấn) ở khu vực nông thôn. Dự thảo Nghị quyết cũng quy định bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn cho HĐND quận, thị xã nơi không tổ chức HĐND phường, như quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách phường; điều chỉnh dự toán ngân sách phường trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách phường; quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án trên địa bàn phường theo quy định của pháp luật.

HĐND quận, thị xã nơi không tổ chức HĐND phường cũng sẽ quyết định danh mục các chương trình, dự án thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn phường, chương trình, dự án đầu tư quan trọng trên địa bàn phường được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở phường; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của UBND phường; giám sát việc thực hiện ngân sách phường đã được HĐND quận, thị xã quyết định.

Nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận, thị xã nơi không tổ chức HĐND phường cũng sẽ được bổ sung 2 nhiệm vụ, quyền hạn. Đó là lập dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách địa phương (bao gồm dự toán thu, chi ngân sách các phường), trình HĐND cùng cấp quyết định.

Căn cứ vào dự toán ngân sách được giao, quyết định cụ thể dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình và ngân sách các phường, điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết, quyết định các chủ trương, biện pháp triển khai thực hiện ngân sách. Lập quyết toán thu, chi ngân sách địa phương (bao gồm ngân sách các phường), trình HĐND cùng cấp phê chuẩn; phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của phường.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND quận, thị xã nơi không tổ chức HĐND phường cũng đã được bổ sung để đảm bảo hiệu lực quả quản lý, điều hành. Chẳng hạn, Chủ tịch UBND quận, thị xã nơi không tổ chức HĐND phường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các quy định khác của pháp luật có liên quan và được bổ sung 2 nhiệm vụ, quyền hạn. Đó là bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức, khen thưởng, kỷ luật chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên UBND phường; tuyển dụng, sử dụng, quản lý, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức phường.

Tin cùng chuyên mục