Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân: Tập trung tái cấu trúc đầu tư công

"

“Đôi khi khó khăn không chỉ do nguyên nhân khách quan mà còn do sự đùn đẩy, vô trách nhiệm của chính các cơ quan sở ngành TPHCM. Trước tình hình khó khăn của TP, các sở ngành, quận huyện phải xắn tay vào mới ra chuyện. Làm không chạy theo bề nổi mà phải thực chất”, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh như thế tại cuộc họp kiểm điểm tình hình kinh tế - xã hội TP quý 1-2012 sáng 3-4.

  • Hoạt động sản xuất bị thu hẹp

Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM, cho biết: GDP trên địa bàn TP quý 1 tăng 7,4% (cùng kỳ tăng 10,9%), là mức tăng thấp nhất so với các năm qua, chỉ cao hơn mức tăng quý 1-2009 là năm chịu tác động khủng hoảng tài chính thế giới là 4%. Trong khi đó, Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Văn Lai tỏ ý lo ngại về tình hình xuất, nhập khẩu: Trong 3 tháng đầu năm, tình hình xuất khẩu tăng chậm so với cùng kỳ vì đơn hàng có khối lượng lớn không nhiều, trong khi yêu cầu chất lượng ngày càng cao. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là những mặt hàng thô, sản phẩm gia công với giá trị thấp nên kim ngạch xuất khẩu không cao. Ở lĩnh vực công nghiệp, do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, cùng với lãi suất còn ở mức cao đã tác động đến giá thành sản phẩm làm tăng giá bán, khiến sức mua yếu, lượng hàng hóa tồn tăng.

Giám đốc Thái Văn Rê cảnh báo, có 5.012 doanh nghiệp đã gửi thông báo ngưng hoạt động đến Cục Thuế TP nhưng chỉ 462 doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động đến Sở KH-ĐT. Trong số doanh nghiệp thông báo ngưng hoạt động tại Cục Thuế TP, có 1.725 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, phá sản; 1.198 doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích. Các doanh nghiệp này thuộc ngành thương mại, xây dựng, vận tải, du lịch. “Giá nguyên nhiên vật liệu và các yếu tố đầu vào tăng, nguồn tín dụng cho sản xuất chưa được khơi thông trong khi đó doanh nghiệp vẫn còn chịu ảnh hưởng của lạm phát năm 2011 đến nay chưa được phục hồi nên hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TPHCM bị thu hẹp lại” - ông Thái Văn Rê nhận định.

  • “Xắn tay vào mới ra chuyện”

Dẫn ra một trong rất nhiều dự án “rùa” tại TPHCM hiện nay, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho rằng, dự án nhà hát Trần Hữu Trang, một công trình cấp bách để phục vụ nhu cầu biểu diễn của văn nghệ sĩ được HĐND TP thông qua và TP đã bố trí vốn từ năm 2009, dự kiến năm 2011 xây xong. “Thế nhưng làm hoài không xong và nóng lòng nên tôi đích thân đến hiện trường thì thấy khu đất đang được cho thuê bán gốm!” – Chủ tịch Lê Hoàng Quân bày tỏ. Theo đó, qua kiểm tra thì hồ sơ “nằm” ở Sở Xây dựng, sau đó “đẩy” qua Sở VH-TT-DL rồi lại về Sở Xây dựng. Ban đầu, vốn đầu tư 78 tỷ đồng, sau Sở Xây dựng “cắt” còn 50 tỷ đồng và bây giờ đội lên tới 120 tỷ đồng. “Dự án nhỏ như thế mà các sở làm không xong thì làm cái gì được! Công trình đã khởi công, nay trùm mền thì không hiểu nổi, trong khi anh em nghệ sĩ trông chờ từng ngày. Lỗi này là sự vô trách nhiệm của các sở, ngành. Hình như các dự án do quận, huyện làm thường nhanh và chất lượng hơn sở, ngành và dường như lãnh đạo các sở xem các dự án kiểu này không phải chuyện của mình! Các sở ngành phải kiểm điểm trách nhiệm của mình. Nếu cứ đùn đẩy mà không ngồi lại tháo gỡ thì khó sẽ chồng khó” - Chủ tịch Lê Hoàng Quân bức xúc.

Ông Nguyễn Tấn Định, Phó ban Quản lý các KCX-KCN TP, cho biết, năm 2012 các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng 30.000 lao động, giảm 20.000 lao động so với năm 2011 nhưng thực tế số lao động được tuyển dụng còn ít hơn. Thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu duy trì sản xuất để giữ lao động chứ không tuyển dụng thêm. Ngoài ra, có trên 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ đã ngừng hoạt động tại các KCX-KCN.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận cho biết: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong 6 chương trình đột phá của TP nhưng vẫn không thấy các sở ngành, quận huyện nhập tâm thực hiện. Đến nay 5/17 sở ngành vẫn chưa “đá động” gì đến chương trình này; 12/24 quận huyện không xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

Theo Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, thời gian tới TP tập trung tái cơ cấu ngành kinh tế, chuyển từ mô hình tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu, đảm bảo hiệu quả, tăng sức cạnh tranh; trong đó tập trung tái cấu trúc lĩnh vực đầu tư công qua việc rà soát tất cả dự án để chấn chỉnh, làm dứt điểm không để kéo dài. TP cũng tập trung tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần. Các sở ngành, quận huyện cần năng động tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Trước tình hình khó khăn hiện nay, các sở ngành, quận huyện phải xắn tay vào mới ra chuyện.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM cùng các sở ngành chức năng rà soát, xem xét mức độ “khát vốn” hiện nay của doanh nghiệp để can thiệp, hỗ trợ.

"Trong tình hình khó khăn hiện nay, các sở, ngành, quận, huyện không được thụ động chờ đợi mà phải tích cực, chủ động tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. Đi liền với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cần “cải cách” tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, của cán bộ công nhân viên, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đối với công việc chung"

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục