“Sự việc nữ sinh Phạm Song Toàn phải chuyển trường sau khi phản ánh cô giáo im lặng không giảng bài chưa kịp lắng xuống, thì dư luận lại phải bàng hoàng trước vụ nam sinh lớp 10 nhảy lầu tự tử. Để xảy ra các sự việc đáng tiếc trên thì không thể không đề cập đến vai trò của nhiều tổ chức đảng, các cấp ủy, do chưa làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với đội ngũ giáo viên”, TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Xây dựng Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Cán bộ TPHCM), chia sẻ.
Nữ sinh Phạm Song Toàn bật khóc tại buổi gặp gỡ lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM
Cấp ủy, chính quyền xem nhẹ chữ “thầy”
Theo TS Nguyễn Việt Hùng, do nhiều nguyên nhân về kinh tế - xã hội đã làm xuất hiện những sự việc đau lòng trong ngành giáo dục. Đặc biệt trầm trọng là liên quan đến đạo đức, tư cách thầy giáo, cô giáo. Những sự việc này diễn ra ở nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều cấp độ trong bình diện chung của cả nước, đến những cơ sở giáo dục ở tất cả các cấp đào tạo. Những biểu hiện này là không thể chấp nhận được trong nền giáo dục đào tạo xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Điều này không chỉ làm nhân dân có cái nhìn không thiện cảm về ngành giáo dục, mà cũng gây ra sự đau đớn đối với những người thầy, người cô chính trực, có tâm huyết thật sự tận hiến, hy sinh cả đời cho sự nghiệp trồng người. Do vậy, trước các sự việc này thì không thể chỉ nói một cách lạnh lùng vô cảm rằng “con sâu làm rầu nồi canh”.
“Tôi cho rằng cần phải tìm căn nguyên của nó”, TS Nguyễn Việt Hùng đề nghị và đánh giá nhiều cấp ủy, chính quyền (kể cả trong ngành giáo dục) xem nhẹ người thầy, coi nhẹ chữ “thầy” và tiêu chuẩn đầu vào của ngành sư phạm đã bị hạ thấp.
Ông Hùng cho rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến các sự việc này là do trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành giáo dục ít chú trọng vun đắp, bồi dưỡng tư cách, nhân cách người thầy. Do đó, xã hội chúng ta ít có “kỹ sư tâm hồn”, mà chỉ sản sinh nhiều “thợ dạy”.
Những “thợ dạy” coi đây là nghề nghiệp để mưu sinh, thậm chí là nơi để “kinh doanh” sức lao động của mình. Từ đó, những câu chuyện đau lòng trong ngành giáo dục liên tiếp xảy ra, như nạn chạy theo thành tích; chạy theo khoa bảng, văn bằng học vị; chạy theo những đòi hỏi về tiền tài, vật chất thông thường, làm méo mó môi trường sư phạm. Thậm chí có những trường hợp buôn bằng, bán điểm hoặc chạy chỗ, chạy việc, thiếu trung thực ngay trong môi trường sư phạm, như trường hợp hiệu trưởng một trường ở Đắk Lắk vừa bị khởi tố do nhận tiền chạy việc (có giáo viên “lo” đến 300 triệu đồng).
Giáo viên chưa vững vàng, rất dễ vi phạm
Vụ việc cô giáo “suốt 3 tháng lên lớp không nói gì” còn cho thấy vai trò của cấp ủy nơi đó rất mờ nhạt, đã không kịp phát hiện, chấn chỉnh. Song, nhìn rộng ra, một hiện tượng đáng quan tâm, kể cả ở TPHCM, là tỷ lệ giáo viên là đảng viên chưa cao. TS Nguyễn Việt Hùng nhận xét, công tác phát triển đảng trong các cơ sở giáo dục đào tạo còn nhiều hạn chế. Điều này chứng tỏ nhiều tổ chức đảng, nhiều cấp ủy trong ngành giáo dục chưa quan tâm đến công tác vận động quần chúng ưu tú để phát triển đảng viên trong đội ngũ thầy cô giáo.
Chính sự hạn chế trong vai trò của các cấp ủy là nguyên nhân trực tiếp, làm cho công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với đội ngũ giáo viên còn nhiều hạn chế. Một khi còn một bộ phận giáo viên chưa vững về quan điểm, lập trường, chưa am tường pháp luật, thì rất dễ dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật về giáo dục, về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Vì vậy, các cấp ủy, hiệu trưởng các nhà trường cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc theo dõi, nắm bắt công tác tư tưởng của học sinh, của giáo viên ở trường. Tổ chức đảng ở các trường phải theo dõi, làm công tác tư tưởng đảm bảo các thầy cô trở thành những “kỹ sư tâm hồn”. Nếu không giáo dục nhằm tạo sự thay đổi về nhận thức thì thầy giáo, cô giáo chỉ đi dạy như một chức nghiệp thông thường; những tình trạng đau lòng như vừa qua sẽ chưa thể dừng lại và chấm dứt.
Đảng và Nhà nước xác định giáo dục - đào tạo là một lĩnh vực vô cùng trọng yếu. Xuyên suốt nhiều thập niên qua, Đảng và Nhà nước đã có chiến lược để phát triển giáo dục - đào tạo ở Việt Nam. “Đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo ở nước ta”, TS Nguyễn Việt Hùng dẫn chứng và nhấn mạnh Đảng ta xác định, trong 3 khâu đột phá chiến lược thì nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giáo dục - đào tạo được xem là quốc sách hàng đầu.
Do đó, để sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiến lên phía trước, con cháu chúng ta được học hành, dạy dỗ, chăm sóc tốt hơn thì phải quyết liệt bắt đầu từ hôm nay, cùng thực hiện yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Đó là việc nâng cao phẩm hạnh cho đội ngũ thầy cô, chấm dứt bạo hành học đường cũng như trả lại cho thầy cô vị trí xứng đáng. Trong tổ chức sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế thì phải chuẩn hóa vị trí việc làm của người thầy; phải đặt lương của giáo viên ở ngạch bậc cao nhất trong lĩnh vực sự nghiệp, thậm chí ngạch, bậc riêng… Nếu không chăm lo đến đội ngũ thầy cô giáo thì khó thể có các sản phẩm giáo dục - là đội ngũ học sinh, sinh viên có chất lượng cao.
Trao đổi về vụ việc xảy ra tại Trường THPT Long Thới, đồng chí Nguyễn Văn Lưu, Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết đã thành lập một tổ công tác để xử lý vụ việc. Trên cơ sở kết luận của Sở GD-ĐT TPHCM, trong tuần này, Huyện ủy huyện Nhà Bè sẽ phối hợp và làm việc với cấp ủy Chi bộ Trường THPT Long Thới, phân tích nguyên nhân và rút kinh nghiệm chung từ sự việc này.