Chú trọng mục tiêu phát triển con người

Chú trọng mục tiêu phát triển con người

LTS: Chỉ còn khoảng một tuần nữa, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (nhiệm kỳ 2011 - 2015) sẽ khai mạc. Để chào mừng sự kiện quan trọng này, kể từ hôm nay, 3-1-2011, Báo Sài Gòn Giải Phóng mở chuyên mục “Hướng về đại hội XI”, nhằm chuyển tải đến đại hội những tâm tư tình cảm của nhân dân cả nước, trong đó có ý kiến của những đại biểu từng tham dự Đại hội Đảng toàn quốc trong các kỳ trước. Ban Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng trân trọng đón nhận các ý kiến tâm huyết của bạn đọc gần xa gửi gắm đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

  • PGS-TS PHAN XUÂN BIÊN (Hội đồng Khoa học Xã hội TPHCM): Gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội

Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển, đó là quan điểm bao trùm của Đảng ta. Mặc dù chúng ta đã thu được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực đời sống xã hội sau 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới và chủ trương nói trên, nhưng sự phát triển kinh tế vẫn chưa thật sự bền vững, nên việc thực hiện mục tiêu “tiến bộ xã hội” và “công bằng xã hội” còn nhiều hạn chế.

Để khắc phục tình trạng này trong nhiệm kỳ sắp tới, tôi cho rằng, Đảng ta cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo bề rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu; không ngừng mở rộng quy mô, trong đó, chú trọng hơn nâng cao chất lượng, hiệu quả tăng trưởng. Thực hiện chiến lược tăng trưởng bền vững gắn với giảm nghèo; tăng trưởng công bằng, tăng trưởng không loại trừ ai, bảo đảm kết quả tăng trưởng phải được phân phối công bằng, mọi người được hưởng lợi kết quả tăng trưởng, nhất là người có công với cách mạng, người nghèo, nhóm yếu thế. Ở đây, vai trò Nhà nước có tính quyết định. Cần phát triển hài hòa giữa các vùng miền, trong đó cần đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt vùng sâu, vùng xa, vùng các dân tộc thiểu số; phân công lại lao động nông thôn, nông nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động phù hợp. Đột phá và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và phổ cập nghề cho người lao động, đặc biệt là cho nông thôn. Bên cạnh đó, phát triển hệ thống an sinh xã hội phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng vào mục tiêu phát triển con người, cải thiện điều kiện sống của con người và lành mạnh hóa xã hội. Do đặc điểm của nước ta, các đối tượng của các chính sách xã hội rất đa dạng, nên cần mở rộng chính sách phúc lợi xã hội thành hệ thống chính sách an sinh xã hội nhiều tầng nấc. Ngoài ra, khuyến khích mọi người làm giàu hợp pháp đi đôi với tích cực xóa đói giảm nghèo, tạo ra một bộ phận dân cư giàu trước để hỗ trợ cho người nghèo vươn lên, đồng thời đấu tranh cương quyết để ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả những hiện tượng làm giàu phi pháp đang xuất hiện ở mọi nơi, đang gây tác hại to lớn cho tăng trưởng kinh tế, phá vỡ tiến bộ xã hội và tạo ra bất công xã hội lớn nhất, gây bất bình trong nhân dân, đang là nguy cơ đe dọa sự sống còn của sự nghiệp đổi mới.

Có thể nói, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới tiến bộ và công bằng xã hội, ngược lại, mỗi chính sách bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội đều phải góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bất cứ một sự thiên lệch nào trong thiết kế chủ trương hay trong quá trình thực thi chính sách đều gây hậu quả tai hại cho tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội.

  • Đồng chí LÊ HỮU ĐỨC (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM): Bầu chọn người có tư duy đổi mới

Phát triển nhanh gắn liền với bền vững, coi phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước ta giai đoạn năm 2011-2020, đây là chủ trương lớn của Đảng ta. Nhưng để thực hiện chủ trương trên, trước hết chúng ta cần những con người có năng lực đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sống, nói cách khác, Đại hội XI của Đảng lần này có nhiệm vụ hết sức quan trọng là bầu chọn cho được những con người biết đột phá trong tư duy tham gia vào BCH Trung ương để biến mục tiêu của Đảng thành hiện thực cuộc sống. Thực ra, yêu cầu này đã đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ trước, nhưng giờ đây, đứng trước thời cơ mới, vận hội mới của đất nước trong giai đoạn sắp tới, việc bầu người có tư duy đổi mới vào BCH cần phải làm thật mạnh mẽ và đúng thực chất hơn nữa. Nhìn lại 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, những biện pháp được áp dụng - cũng chính là từ những đột phá về tư duy, đã giúp nước ta vượt qua tình thế bên bờ vực khủng hoảng, tiến một bước dài trên con đường phát triển kinh tế với những thành tựu to lớn và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Điển hình là sự đột phá mà Đại hội VI tạo ra cũng bắt nguồn từ sự đổi mới tư duy để vượt qua những rào cản giáo điều như phủ nhận kinh tế thị trường, xóa bỏ tư hữu tư liệu sản xuất bằng tập thể hóa... Trong tình hình hiện nay, tư duy mới là nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phấn đấu của nhân dân ta, đó là đất nước phát triển, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nếu không đạt được mục tiêu nói trên, tôi cho rằng, đổi mới tư duy sẽ không còn ý nghĩa. Bên cạnh đó, một lối tư duy mà chúng ta cần đổi mới nữa là tư duy theo kiểu đại khái, tùy tiện, không tôn trọng kỷ luật, kỷ cương pháp luật. Lối tư duy lạc hậu này đã từng gây cho chúng ta không ít khó khăn, thua thiệt trong những năm qua. Tôi rất mong mỏi Đại hội XI của Đảng tập trung trí tuệ tập thể bầu cho được những đại biểu ưu tú trong Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, có năng lực, có uy tín trong Đảng, trong xã hội, đặc biệt có tư duy đổi mới, biết nghĩ, biết làm và làm có sáng tạo, hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục