Chỉ có thể giải quyết được bài toán vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) cho địa bàn thành phố bằng chiều hướng phát triển đa phương thức chứ không thể dồn hết trách nhiệm lên xe buýt.
Còn nhớ, khi ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IX về chương trình kéo giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015 và xa hơn, tầm nhìn đến 2020, chính quyền thành phố đã xác định phải tăng cường hơn nữa năng lực vận chuyển hành khách của xe buýt. Cụ thể, khối lượng VTHKCC đô thị bằng xe buýt đến năm 2015 của thành phố phải đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại và sang năm 2020 con số đó phải tăng lên gấp đôi, tức phải tối thiểu đáp ứng 30% nhu cầu đi lại. Bây giờ đã bước vào những tháng cuối của năm 2015, nghĩa là sắp kết thúc một chặng 5 năm và thời điểm 2020 cũng chẳng còn bao xa. Thế nhưng, đến nay ngành VTHKCC mới chỉ đáp ứng được trên dưới 10% nhu cầu đi lại của người dân, mặc dù có tăng so với thời gian trước đó vốn chỉ đáp ứng khoảng 5%-7% nhưng vẫn còn thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch thành phố đề ra.
Đầu tư vào số lượng phương tiện, sắp xếp tổ chức lại luồng tuyến xe buýt, hiện đại hóa và văn minh hóa dịch vụ xe buýt… cũng được điểm danh như là điều kiện cần và đủ để VTHKCC vươn tới tỷ lệ đáp ứng tối ưu nhu cầu đi lại của người dân. Ảnh: Cao Thăng
Chính quyền thành phố cũng đã xác định trong thời gian tới, xe buýt tiếp tục đóng vai trò chủ lực trong việc giải quyết nhu cầu đi lại của người dân bằng phương tiện VTHKCC. Có nhiều kỳ vọng đặt ra cho ngành chức năng, trong đó đáng chú ý hơn cả là thành phố xác định trong tương lai dài lâu, VTHKCC đa phương thức với ba cấp độ dịch vụ sẽ phù hợp nhất để giải quyết bài toán đi lại của người dân thành thị. Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hệ thống “đa phương thức với 3 cấp dịch vụ” gồm: đường sắt đô thị kết hợp xe buýt nhanh (BRT), xe buýt thông thường và taxi, xe ôm. Nói cách khác, gánh vác trách nhiệm giải quyết giao thông đi lại công cộng không chỉ và không thể chỉ có mỗi xe buýt, nhưng phải có sự tồn tại và hợp đồng tác chiến của nhiều loại hình khác nhau, từ phương thức VTHKCC tân tiến mà đại diện là monorail, metro lẫn phổ thông thậm chí thô sơ, cổ điển mà đại diện là buýt thông thường, taxi và kể cả xe ôm.
Việc được thừa nhận và còn được tính tới trong kế hoạch dài hạn của ngành chức năng đối với loại hình xe ôm, có lẽ là một điều thú vị, cũng như ít nhiều phản ánh sự thức thời của cấp điều hành thành phố. Bởi lẽ đối với TPHCM, mặc dù là một siêu đô thị với số dân đã vượt hơn 10 triệu người, bao gồm dân nhập cư thế nhưng thành phố cũng có đặc thù là đường ngang ngõ dọc chi chít, dày đặc nên chỉ có xe ôm mới có thể luồn lách, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Mặc dù vẫn chưa đồng bộ rõ nét, nhưng cách đây vài năm, địa hạt phổ biến và bình dân này đã có những động thái manh nha thay đổi theo hướng văn minh, lịch sự hơn: xe ôm phải có biển hiệu; bác tài xe ôm phải mặc đồng phục hoặc trang phục riêng được chính quyền thành phố chuẩn duyệt…
Không chỉ đa dạng hóa hình thức phương tiện, lĩnh vực VTHKCC cũng sẽ phải tái cấu trúc, sắp xếp lại theo hướng tinh giản, gọn nhẹ nhưng hiệu quả cao hơn. Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành VTHKCC TPHCM trong chiều hướng tái cấu trúc các đơn vị, sắp tới số lượng doanh nghiệp sẽ giảm xuống chỉ còn lại khoảng 5-6 đơn vị nhưng tất cả sẽ đều là những tên tuổi, thương hiệu có uy tín, tức là đảm bảo chất lượng phục vụ. Tổng giám đốc Phùng Đăng Hải của Liên hiệp HTX vận tải TPHCM nhận xét, điều này cũng hợp lý bởi vì sự khắt khe trong “đầu vào” sẽ buộc các đơn vị để sinh tồn, phải cạnh tranh cũng như thúc đẩy lẫn nhau điều chỉnh phương pháp quản lý, điều hành từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động trên từng tuyến doanh nghiệp mình đảm nhiệm.
Nhắm đến việc tạo ra “phủ sóng” trên diện rộng hơn nữa, thành phố không quên chú trọng dành thêm đất phát triển hệ thống bến bãi phục vụ xe buýt. Cụ thể các bước triển khai đã, đang và sẽ tiếp tục được xúc tiến cho các bến bãi quy mô lớn như: Ga hành khách xe buýt Chợ Lớn, công viên Văn hóa Đầm Sen, Bến xe Văn Thánh, Công viên 23 Tháng 9, Bến xe Củ Chi, Bến xe An Sương, mở rộng Bến xe Quận 8… Riêng các khu dân cư đông đúc, các tụ điểm vui chơi giải trí, trung tâm thương mại… cũng đang được nghiên cứu lập điểm dừng đậu dành xe xe buýt, taxi…
Thiện Nhân