Kẹt xe ở miền Nam, tắc đường ở miền Bắc đã trở thành chuyện thường ngày. TPHCM và Hà Nội đang phải oằn mình gánh chịu sức nặng dân số gấp vài lần khả năng “chống đỡ” của mình. Và mỗi người dân không có cách nào khác là phải tự lo cho mình. Hậu quả là mạnh ai nấy lo, cần xe cứ mua, đường đông cứ đi. Và như thường lệ, nguyên nhân của vấn đề được nhanh chóng kết luận: lỗi do người dân với quá nhiều phương tiện cá nhân. Để giải quyết nhanh chóng một vấn đề phức tạp trong khi tránh không phải suy nghĩ nhiều, một giải pháp được đưa ra là chỉ cho phép ô tô cá nhân đi theo các ngày chẵn – lẻ tùy theo biển số của xe mình.
Nếu quy định này được đưa vào thực tế, ngay lập tức những người giàu sẽ mua thêm xe và có khả năng họ sẽ “lo” được một biển số chẵn hay lẻ theo nhu cầu. Những người ít giàu, thuộc tầng lớp trung lưu thì sao? Qua tham khảo ý kiến một số người thuộc tầng lớp này, họ nêu ra giải pháp: Lắp biển số giả thay vào ô tô tùy theo ngày chẵn hay lẻ, nếu công an bắt được thì đành chịu; đi xe đến “ranh vùng cấm”, gửi ô tô rồi đi nhờ xe máy của đồng nghiệp hoặc đi xe buýt, xe ôm và cả đi bộ nếu có thể; mua thêm xe gắn máy để đi ngày lệch - phương án này thuận lợi nhất, nhưng lại làm tăng số lượng phương tiện cá nhân, vốn đang là vấn đề khó giải quyết khác của chính quyền thành phố.
Tôi cho rằng thay vì quy định ô tô cá nhân chỉ được lưu thông vào ngày chẵn – lẻ theo biển số xe, tại sao chúng ta không áp dụng những cách mà khắp thế giới đang làm. Đó là tăng phí đậu xe, bến bãi; thu phí giao thông cho xe lưu hành trong khu trung tâm; bảo vệ, khuyến khích người đi bộ, xe đạp bằng cách giải phóng vỉa hè, làm thêm làn xe đạp, thậm chí hỗ trợ về mặt kinh tế cho đối tượng này; tăng phát triển giao thông công cộng, thêm bến, tuyến, thêm làn xe buýt; giáo dục hành vi giao thông, ý thức môi trường cho mọi người dân, đặc biệt là trẻ em, học sinh phổ thông.
Và quan trọng hơn cả là mấy “ông” quy hoạch, giao thông, môi trường, xây dựng cần ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp hợp lý, khả thi hơn. Từ bao năm nay, khi cấp phép cho hàng chục, hàng trăm dự án cao tầng trong trung tâm thành phố, “ông” quy hoạch đều đưa ra các chỉ tiêu về mật độ, tầng cao, chức năng công trình, quy mô dân số... dường như rất khắt khe; nên không thể tự nhiên “ông” đưa thêm mấy trăm ngàn, thậm chí cả triệu người vào trung tâm thành phố khi mà các con đường vẫn y nguyên chiều rộng xưa nay?! “Ông” xây dựng cũng “soi” thật kỹ trước khi cấp giấy phép… Chính vì vậy, khi tình trạng kẹt xe, tắc đường xảy ra, các “ông” không nên đổ lỗi rằng tại người dân không có ý thức, dồn dập đi vào mấy quận trung tâm, để rồi đưa ra quy định phi lý như vậy. Đừng đổ cái khó lên đầu người dân.
KTS NGUYỄN HỒNG HẢI (Quận 2, TPHCM)