– Không thể tưởng tượng được là những dự án giao thông trị giá cả ngàn tỷ đồng lại nhanh xuống cấp thế. Đường vừa khánh thành thông xe thì sang tuần tới đã nứt nẻ. Cầu vừa cắt băng khai trương thì sau một tháng đã lún sụt.
– Rõ ràng là trí tưởng tượng của ông kém. Bởi chuyện đó có gì mới đâu. Đường xuống cấp nhanh thì sớm có việc làm cho bộ phận đại tu. Cầu xuống cấp nhanh thì tạo điều kiện cho những dự án cầu mới. Như thế sẽ làm tăng GDP, có thêm thành tích.
– Tiền đóng thuế của dân sao cứ mang đổ bừa vậy?
– Bừa chỗ nào? Một dự án ngàn tỷ người ta đổ một phần vào công trình, một phần nữa có tác dụng bôi trơn những chỗ chưa thông suốt, phần còn lại vô những chỗ mà ai cũng biết là gì. Tất cả đều chính xác, theo dự định, không có gì là bừa.
– Thêm nữa, mỗi khi có sự cố, xuống cấp, chuyện sửa chữa cứ cà rịch cà tang. Cái lỗ nhỏ không sửa liền, để thành ổ voi ổ trâu, năm này qua tháng khác.
– Đó đã thành công nghệ câu giờ rồi mà. Ký dự án bằng tay thì sửa cũng phải bằng tay! Cứ cho vài công nhân ra đục, dặm vá thì sẽ có lợi lâu dài, lý gì phải sửa cho nhanh?
– Đập thủy điện rò sửa chữa bằng tay, công trình hạ tầng chữa bằng tay, vậy là sao?
– Chả sao hết. Đó là để đồng bộ với những chuyện chữa bằng tay khác, ví dụ như chữa cháy rừng!
TƯ QUÉO