(SGGPO).- Liên quan vụ trúng sưa tiền tỷ, ngày 27-2, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch Phạm Văn Tân cho biết đêm 25-2, gần 20 lâm tặc đã đuổi chém ông và Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình Nguyễn Văn Duẫn khi hai người rời hiện trường trục vớt gỗ sưa. Trật tự chỉ được vãn hồi khi hàng chục chiến sĩ công an có mặt.
Trước đó, ông Phạm Văn Tân đã ký cam kết với nhóm người “được sưa” sẽ trích thưởng 30% tổng trị giá gỗ theo chỉ đạo của UBND huyện Bố Trạch. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Tân cho biết, ông ký văn bản đó nhưng không ghi nội dung đồng ý hay không đồng ý. Một văn bản có tính pháp lý phải lập ra 3 bản, còn ở đây chỉ 1 bản được lập và do nhóm “được sưa” cất giữ nên khó nói được điều gì. Theo luật định, người phát hiện lâm sản quý phải trình báo cho chính quyền hoặc cơ quan chức năng để sau này có căn cứ trích thưởng nhưng đến thời điểm này, phía kiểm lâm chưa nhận được bất cứ trình báo nào.
Theo báo cáo của cơ quan kiểm lâm địa phương gửi UBND tỉnh Quảng Bình ngày 27-2, khúc gỗ trên chưa được gọi là gỗ sưa (huê) vì tính pháp lý chưa có. Theo đó, việc người dân nói gỗ sưa chỉ dựa trên kinh nghiệm dân gian, trong khi cơ quan chức năng phải gửi mẫu đi phân tích, sau khi có xác nhận khoa học của Bộ NN- PTNT, của Cục Kiểm lâm mới công bố chính thức bằng văn bản đó là gỗ gì rồi sung vào công quỹ, và sở tài chính định giá để chào bán.
Hiện khúc gỗ sưa khổng lồ trên đã được đưa vào kho của Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch. Để bảo vệ an toàn khúc gỗ khổng lồ này, các kiểm lâm viên xây bịt các lỗ thông gió đề phòng bị trộm đột nhập vào cưa sưa như vụ trộm đột nhập lấy sưa ở Hạt kiểm lâm Phong Nha- Kẻ Bàng hồi tháng 9-2013.
*Trục vớt gỗ sưa tiền tỷ: Không phận sự, thoải mái vào nơi được bảo vệ nghiêm ngặt
Trưa 26-2, khúc gỗ sưa khổng lồ tại ngầm Troóc (Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã được trục vớt lên. Vòng trong cùng được bảo vệ nghiêm ngặt bởi kiểm lâm và công an. Khu vực có sự chỉ đạo của 2 Phó Chủ tịch UBND huyện là Trần Phong và Trần Quang Vũ, cũng như có sự hiện diện của ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình nhưng rất kỳ lạ, ở nơi này lại có sự xuất hiện của một số trùm gỗ không có phận sự, trong đó dư luận đặc biệt chú ý đến H. “mía” - giữ vai trò điều hành các xe máy làm việc ở đây một cách thoải mái mà không bị ai nhắc nhở?!
Không phận sự, vẫn chỉ đạo trục sưa (?)
Tại hiện trường trục vớt sưa ngày 26-2, người dân đứng trên các nương ngô, đậu phộng để xem diễn tiến, nhưng ở khu vực nghiêm ngặt, nơi kiểm lâm, công an huyện cắm chốt, nột bất xuất, ngoại bất nhập, người ta thấy một số người không có phận sự vẫn vào chỉ tay với các xe máy được thuê từ ngoài vào như muốn làm theo ý mình. Trong các đối tượng đó, dư luận đặc biệt chú ý đến H. “mía”, một trùm gỗ sưa ở huyện Bố Trạch, vượt vòng ngoài, vô vòng trong cùng trò chuyện với rất nhiều kiểm lâm, cũng như có các chỉ dấu ra hiệu các xe xúc, xe reo làm việc trục vớt sưa.
Nhiều người dân cho rằng, sở dĩ H. “mía” có mặt ở đó là vì đã chung tiền cho người được sưa là Nguyễn Quang Huy 900 triệu đồng để thế chân hưởng 30% trị giá gỗ sưa. Vấn đề là, ở khu vực làm nhiệm vụ vòng trong cùng, chỉ có cơ quan chức năng thì các đối tượng dù là ai, nếu không có phận sự thì không thể vào đó.
Trong khi đó, buổi sáng, 2 xe xúc làm việc, xe reo đến dùng tời kéo khúc gỗ sưa lên không thành công, 2 lần đứt cáp, liền xuất hiện ở đâu đó 2 thanh niên đưa nhang, gà luộc đến làm trò cúng bái dị đoan, lực lượng kiểm lâm có mặt không có phản ứng gì. Nơi làm trò cách khúc gỗ sưa chừng 3-4m, một người đàn ông đứng ra thắm hương khấn vái khiến người dân thấy buồn cười.
“Không chỉ H. “mía”
Khi được hỏi về vấn đề các đối tượng không có nhiệm vụ cũng được vào khu vực nghiêm ngặt, ông Trần Quang Vũ, Phó chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, cho biết, lúc đó cũng có nhiều đầu nậu gỗ chứ không riêng gì H. “mía”.
Về vấn đề bày trò dị đoan cúng bái khi trục vớt sưa, ông Trần Quang Vũ bảo không biết và sẽ cho kiểm tra lại. Trong khi đó ông Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho rằng, trong lúc trục vớt nhiều người dân đến hiện trường chứ không phải các đối tượng đầu nậu như dư luận phản ánh. Họ đến với tư cách người dân, chứ không có chỉ đạo đâu. Không ai chỉ đạo ngoài cơ quan nhà nước, cơ quan chức năng ở hiện trường cả. Việc xe máy là do kiểm lâm hợp đồng từ ngoài vào thực hiện.
Về việc có đối tượng dị đoan cúng bái trong khu vực, ông Trần Thanh Văn, Bí thư Huyện ủy Bố Trạch, nói: “Chuyện đó là chuyện một số người họ thích mần chi là việc của họ. Tôi không lên hiện trường nhưng không có chuyện chỉ đạo của các đối tượng khác đâu”.
16 giờ cùng ngày, xe reo chở gỗ sưa đã về đến Hạt kiểm lâm huyện Bố Trạch. Ông Phan Văn Gòn, Chủ tịch UBND huyện, cho biết, bước đầu cơ quan chức năng sẽ chụp ảnh toàn bộ, đo khối lượng gỗ sưa, sau đó sung công quỹ. Lập hồ sơ báo cáo Sở Tài chính tỉnh thẩm định trị giá khối gỗ sưa trên để đưa ra đấu giá công khai. Trước khi bán đấu giá sẽ đăng thông tin trên báo chí mời đấu giá. Khi lô gỗ trên đấu giá thành công mới trích tiền phần trăm cho người phát hiện.
Sau khi trục vớt sưa, tại hiện trường có nhiều người dầm mình dưới nước lạnh mót các mảnh gỗ sưa vương vãi, có người lặn tìm nhặt được những rễ sưa rất to có giá vài triệu đồng. Chiều tối cùng ngày, người dân đã giải tán, không còn tụ tập như các ngày hôm trước.
Minh Phong
>> Quảng Bình: Đã trục vớt gỗ sưa bạc tỷ
>> Quảng Bình: Hàng ngàn người tập trung "mót sưa"