– Sao giờ vẫn còn nhiều người không phân biệt được “lờ” với “nờ”, rồi chia ra sai bét thành lờ cao với... lờ thấp, rốt cuộc vẫn “ngọng níu ngọng nô”?
– Vì chỗ ấy cả nhà nói ngọng, hàng xóm toàn người nói ngọng, đi học cô giáo ngọng, cả hiệu trưởng cũng ngọng luôn. Nghe trật, nói trật, viết trật, tức là ngọng toàn diện.
– Thế nào rồi ngành giáo dục cũng hô lên một khẩu hiệu quen thuộc thôi: “Nói không với nói ngọng”! Và sau một thời gian nói không, sẽ có cả tạ báo cáo nói có, rằng có nhiều thành tích trong phong trào nói không.
– Nghe rối quá. Nhưng chuyện nói ngọng công khai như thế còn có thể chữa được. Chứ nói ngọng tiềm ẩn thì vô phương.
– Tiềm ẩn nghĩa là sao?
– Đọc báo thì thấy hà rầm. Bọn khai thác quặng trái phép thắp đèn điện, máy móc bự chảng chạy ầm ĩ nhưng ông địa phương bảo “ơ có chuyện đó à”. Rừng bị phá sạch, kiểm lâm bảo “đang xác minh thông tin”. Cán bộ thuộc quyền làm bậy, hiếp đáp dân, ông sếp trên vẫn bảo “chưa được báo cáo tình hình”.
– Vẫn chưa hiểu. Nói đúng chính tả vậy thì ngọng ở chỗ nào?
– Ngọng ở chỗ không nắm được thực tế việc thuộc quyền mình quản lý gì ráo. Bởi vậy có ai truy ra thì ngắc ngứ rồi ngọng.
– Rồi có chữa được cái tật này không?
– Bó tay, nếu các sếp “nói ngọng” vẫn tà tà đương chức!
Tư Quéo