Dư luận đang xôn xao với thông tin CSGT sẽ phạt phụ huynh gây kẹt xe trước cổng trường, PV Báo SGGP đã ghi nhận thực tế và nguyên nhân dẫn đến tình trạng kẹt xe trước cổng trường trên địa bàn TPHCM.
"Ba phải đậu xe gọn lên vỉa hè chứ, đậu như vậy là sai rồi, cô giáo bảo đậu như thế là ảnh hưởng tới người khác đấy”, lời của một học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TPHCM) nhắc nhở ba của cháu đã khiến nhiều phụ huynh phải ngoái lại nhìn. Trong khi vị phụ huynh này vừa vui vẻ xin lỗi con, nói lần sau sẽ không lặp lại, những phụ huynh khác không có phản ứng gì vì họ cũng đang đậu xe dưới lòng đường. Trước giờ tan học, vỉa hè phía cổng phụ của trường này còn nhiều chỗ trống, nhưng phụ huynh không dựng xe lên đó mà đậu dưới lòng đường, ngay cổng trường nên gây kẹt xe.
Chị Lê Thị Lưu Ly, phụ huynh học sinh Trường THCS Đức Trí (Nguyễn Trãi, quận 1) phàn nàn: “Trường đã thiếu chỗ đậu xe trầm trọng nhưng nhiều phụ huynh đến trước lại đậu xe máy không sát nhau để lãng phí khoảng không khá rộng giữa các xe, phải để bảo vệ nhắc nhở mới sắp xếp lại, như vậy vô tình đã làm mất thời gian và góp phần gây lộn xộn trước cổng trường”.
Nhiều phụ huynh Trường Mầm non Nam Sài Gòn và Trường Tiểu học - THCS - THPT Nam Sài Gòn (quận 7) phản ánh việc CSGT thường “canh me” khúc đường Nguyễn Lương Bằng và Trần Văn Trà (phường Tân Phú, quận 7) phạt khi phụ huynh dừng hoặc đậu ô tô gần cổng trường để đưa con vào lớp. Họ bức xúc vì đường khá rộng nhưng không được dừng và đậu xe, nhiều người phải để con xuống xe và tự đi bộ tới trường rất nguy hiểm. Cô Nguyễn Đặng Thị Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Sài Gòn, cho biết: “Thực ra phụ huynh vẫn được đậu ô tô ở lề đường, hẻm bên hông và các tuyến đường quanh trường để đưa con vào lớp, nhưng phải đậu sát lề, đậu hàng một, tránh dừng trước cổng và điểm dừng xe buýt để không gây ùn tắc. Vào đầu năm học, ban giám hiệu họp với phụ huynh toàn trường có phổ biến việc dừng đậu xe trước cổng trường và các phụ huynh đều ký vào bản cam kết sẽ chấp hành đúng luật giao thông. Tuy nhiên, sau đó rất nhiều phụ huynh không thực hiện như đã cam kết, muốn nhanh tiện nên đậu xe sai quy định, bị CSGT phạt”. Còn lãnh đạo Trường Tiểu học - THCS - THPT Nam Sài Gòn cũng khuyến cáo phụ huynh nên đậu xe đúng quy định. Nếu bị phạt những lỗi vô lý thì trao đổi với nhà trường để nhà trường tập hợp làm cơ sở để nhờ các đơn vị chức năng hỗ trợ.
Là trường nằm trong “điểm đen” kẹt xe ở giao lộ Đinh Tiên Hoàng và Phan Đăng Lưu, Trường THCS Trương Công Định (Bình Thạnh) phải mở cổng cho phụ huynh vào sân đón con để giảm tải lượng xe đậu trước cổng trường, nhưng vì cổng nhỏ nên hiệu quả không đáng kể. Vỉa hè đường này đã được làm mới, sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, trước cổng trường cần có khoảng vỉa hè rộng để phụ huynh đậu xe thì nơi đây lại mất đi một nửa diện tích trồng hoa. Vỉa hè trước cổng chính Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1) cũng bị cản trở bởi những bồn hoa. Vẫn biết làm bồn hoa để đẹp trường và đẹp đường phố nhưng điều cấp thiết hiện này là có chỗ để phụ huynh đậu xe, giảm bớt ùn tắc.
Điều khiến nhiều người băn khoăn là tình trạng chiếm vỉa hè để buôn bán. Trong khi phụ huynh các trường phải chen nhau từng khoảng trống để đậu xe thì vỉa hè lại bị các hàng quán chiếm dụng kinh doanh. Dẹp hàng quán lấn chiếm vỉa hè trên tất cả các tuyến phố là điều không dễ nhưng dẹp hàng quán quanh khu vực cổng trường học để phụ huynh có chỗ đậu xe lại không quá khó. Cô Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu Học Nguyễn Thái Học (quận 1) cho biết: “Dù sân trường Nguyễn Thái Học rất hẹp, không thể mở cửa để phụ huynh vào đón con nhưng vì trường có vỉa hè rộng, phường kiên quyết dẹp nạn chiếm dụng vỉa hè để buôn bán, nên đảm bảo đủ chỗ cho phụ huynh đậu xe, bao năm nay cổng trường luôn thông thoáng”.
Nhà trường cũng cần linh động hơn trong việc tạo điều kiện để phụ huynh vào trường đón học sinh. Với trường đông học sinh như Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), lại tọa lạc ở điểm dễ kẹt xe, nhưng từ khi nhà trường áp dụng phân luồng để phụ huynh vào đón con một cổng, ra một cổng thì tình trạng kẹt xe giảm hẳn. Đây cũng là một cách làm để các trường có 2 cổng áp dụng nhằm hạn chế ùn tắc giao thông.
THU HƯỜNG