(SGGP).- Chiều 16-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức Hội thảo góp ý Dự án Luật KH-CN sửa đổi. Ngân sách đầu tư cho KH-CN hàng năm, cơ chế khoán chi và chính sách hỗ trợ là 3 vấn đề chính được các đại biểu quan tâm thảo luận.
Theo GS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT TPHCM, nền khoa học của một đất nước chắc chắn khó phát triển tốt nếu chỉ dựa vào ngân sách. Vấn đề lớn ở đây không hẳn ấn định 2% ngân sách Nhà nước sử dụng cho đầu tư phát triển KH-CN (điều 33, khoản 1) mà là luật thể chế hóa để khu vực sản xuất và khu vực nghiên cứu - đào tạo cùng phát huy nội lực một cách thuận lợi và hiệu quả cao.
Tương tự, các điều 47, 55, 56, 57 đề cập đến các chính sách hỗ trợ cho KH-CN, nhưng còn rất chung chung và chỉ tập trung hỗ trợ cho các đơn vị KH-CN nhà nước. Như vậy dự thảo luật lần này vẫn chưa đủ lớn để các thành phần xã hội khác chen chân vào dù biết rằng tiềm năng đầu tư cho KH-CN của họ là rất lớn.
TS Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm ICDREC (ĐH Quốc gia TPHCM) nhận định, cơ chế tài chính hiện nay bắt buộc các nhà khoa học phải nói dối, khai khống. Một dự án cụ thể đang được thực hiện tại đơn vị, theo quy định phải làm và đặt tên đến hơn 3.000 chuyên đề mới được hoàn thành, gây không ít khó khăn cho các nhà khoa học. Trong khi đó, các đề tài nghiên cứu đề xuất năm nay thì đến năm sau mới được cấp duyệt kinh phí nghiên cứu… Xây dựng được Quỹ phát triển KH-CN sẽ gỡ được nút thắt. Nhưng điều 61 lại không quy định một con số cụ thể bắt buộc doanh nghiệp trích phần trăm lợi nhuận thành lập quỹ này. Từ đó, doanh nghiệp có hay không thực hiện cũng không có chế tài nào đủ khả năng giải quyết.
Từ đó, các đại biểu thừa nhận, Luật KH-CN sửa đổi vẫn còn nặng về quản lý hơn là thúc đẩy các hoạt động phát triển KH-CN. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ cần mạnh dạn đề xuất, nhất là chính sách thuế và cơ chế quỹ. Từ đó, Luật KH-CN mới tạo được tính đột phá cho người làm khoa học và hoạt động của các tổ chức KH-CN Việt Nam.
T.Hân