Ngày 19-6, tại buổi khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp TPHCM của Thường trực Hội đồng nhân dân TPHCM với Sở Công thương cùng các ban ngành liên quan đã xới lên nhiều điểm bất cập.
Điểm qua tình hình hoạt động hiện nay của cộng đồng doanh nghiệp (DN) đóng trên địa bàn TPHCM hiện nay, Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Văn Lai cho biết: Trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn kéo dài, người dân bắt đầu có xu hướng siết chặt và cắt giảm chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu. Từ đó dẫn đến hàng tồn kho tăng, các DN sản xuất cầm chừng, giảm mua nguyên vật liệu nên hàng hóa tăng trưởng chậm lại. Mặt khác, nhiều DN không đủ năng lực để hấp thụ vốn. Kết quả sản xuất kinh doanh đạt thấp, DN vướng nợ xấu, do đó không thể vay thêm hoặc không có phương án khả thi càng khó tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, một số ngành đơn đặt hàng và khối lượng cũng giảm so với cùng kỳ năm trước như dệt may, giày dép. Do vậy, sản xuất của những ngành nguyên liệu đầu vào phục vụ cho những ngành này cũng giảm theo.
Mặc dù đánh giá tình hình khó khăn đã và đang tiếp diễn nhưng ông Nguyễn Văn Lai cho rằng, ngành công nghiệp trên địa bàn vẫn ở đà tăng trưởng; giữ xu hướng tăng dần thời gian sau cao hơn thời điểm trước. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2012, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp TP dự ước tăng 5% so với cùng kỳ.
Đối với chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp trên địa bàn, kết quả đánh giá cho thấy, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng luôn ở mức khá (năm 2011 đạt mức tăng 9,9% so với 2010). “Ấn tượng” là giá trị gia tăng của 4 ngành trọng yếu chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 56% trong cơ cấu sản xuất công nghiệp. Nhóm các chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, trong đó có các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao và Công viên phần mềm Quang Trung… thực hiện đúng quy hoạch và theo hướng tập trung, chuyên môn hóa, chú trọng liên kết, hợp tác sản xuất và thu hút đầu tư hiệu quả.
Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP Phạm Văn Đông cho rằng, khác với báo cáo, phân tích của Sở Công thương, thực tế cho đến hiện nay tình hình thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn còn nhiều bất cập, chưa thể yên tâm như những con số “đẹp” vừa nêu. Do đó, cần thiết phải tập hợp được các số liệu sâu hơn để có thể khái quát những thông tin đánh giá chính xác về ngành công nghiệp nói chung, trong đó có ngành công nghiệp mũi nhọn đậm nét, cụ thể hơn để có chủ trương chính sách hỗ trợ kịp thời. “Chứ như qua chuyến khảo sát mới đây của đoàn công tác tại các doanh nghiệp và quận, huyện chúng tôi rất băn khoăn về tình hình đầu tư chiều sâu của các ngành công nghiệp chủ lực cũng như những bất cập trong quy hoạch, phát triển các khu, cụm công nghiệp; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Đông nói.
Ông Từ Minh Thiện, thành viên đoàn công tác cũng cho rằng, qua chuyến khảo sát, khi được hỏi, các DN và hiệp hội ngành hàng đều nói không biết có các chương trình hỗ trợ của TP về chuyển dịch cơ cấu, đầu tư đổi mới thiết bị… Điều này cho thấy DN đang phải tự bơi do công tác tham mưu chỉ đạo chưa sâu sát. Nhấn mạnh hiệu quả chuyển dịch cơ cấu thời gian qua, ông Thiện cho rằng, hầu hết các ngành công nghiệp trọng yếu trên địa bàn mới chỉ dừng lại ở dạng lắp ráp là chủ yếu chứ chưa tạo ra một sản phẩm chủ lực cho công nghiệp TP. Đơn cử, ngành công nghiệp cơ khí chiếm 25% - 27% tỷ trọng cả nước, sau nhiều năm cải tổ nhưng đến nay chỉ đóng được một phần khung xe, các công đoạn còn lại phải dựa vào nhập khẩu. Ngành nhựa hiện chiếm đến 80% tỷ trọng nhưng cũng chỉ dừng lại ở những sản phẩm gia dụng, chưa làm được các công đoạn khó, nhựa kỹ thuật. Đối với ngành hóa chất chủ yếu dựa vào nhập khẩu… Chính việc sản xuất chủ yếu dựa vào các công đoạn lắp ráp và thâm dụng lao động nên ngành công nghiệp TP đã không tạo ra được giá trị gia tăng cao.
Lạc Phong - Thúy Hải