Sổ tay

Chưa thể kê cao gối ngủ

Chiều 28-12, Tổng cục Thống kê chính thức đưa ra số liệu về hoạt động xuất - nhập khẩu của Việt Nam trong năm qua. Mặc dù xuất khẩu đã “cán đích” kế hoạch năm từ tháng 11, song, tổng hợp thêm “thành tích” của tháng 12, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn không khỏi bất ngờ về con số gần 96,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng tới 33,3% về giá trị (tương đương 24 tỷ USD) so với năm trước.

Báo cáo của cơ quan thống kê nhận định, xuất khẩu có thể coi là “điểm sáng của bức tranh kinh tế 2011; là năm thành công nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu trong vòng 10 năm qua”. Thực tế, đây đúng là mức tăng trưởng cao nhất kể từ sau năm 1995 - năm kinh tế Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ hội nhập mạnh mẽ với nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, tỉnh táo phân tích tình hình, có thể thấy thành tích ấn tượng này chủ yếu xuất phát từ yếu tố tăng giá. Loại trừ yếu tố này, kim ngạch xuất khẩu năm 2011 chỉ tăng khoảng 11,4%. “Yếu tố giá rất có thể sẽ thay đổi trong năm tới. Mặt khác, khi các bạn hàng lớn của Việt Nam hiện nay ở châu Âu và Mỹ đang gặp khó, chắc chắn xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ”, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thế Ruệ cảnh báo trong một hội thảo gần đây.

Trong kế hoạch năm 2012, Bộ Công thương cũng nhận định, xuất khẩu năm tới sẽ không dễ dàng. Kinh tế thế giới càng khó khăn, xu thế bảo hộ hàng hóa nội địa (cùng với đó là công ăn việc làm cho người lao động trong nước) sẽ càng gia tăng và biến hóa khó lường.

Tại Hội nghị tham tán thương mại vừa diễn ra trung tuần tháng 12, ông Đào Trần Nhân, Tham tán công sứ của Việt Nam tại Mỹ cảnh báo, hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Mỹ tới đây sẽ phải tuân theo những quy định của Luật Hiện đại hóa vệ sinh của Mỹ (FSMA), với các tiêu chuẩn cụ thể về kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, về lưu trữ hồ sơ của từng công ty sản xuất, chế biến... Các vụ kiện bán phá giá nếu không nhiều lên thì chắc cũng không thể ít đi.

Bên cạnh đó, không chỉ với các nước Âu - Mỹ, ngay cả với một số thị trường mà các nhà xuất khẩu Việt Nam gần như đã chiếm lĩnh được cũng không thể chủ quan. Đơn cử, cách đây một tháng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao do thiếu nguồn cung. Tuy nhiên, sự cạnh tranh mạnh mẽ của một số nước xuất khẩu gạo như Ấn Độ đã làm giá gạo thế giới giảm nhanh, ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch năm 2011 ước đạt 105,8 tỷ USD, tăng 24,7% (tương đương 20,9 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2010. Loại trừ nhập khẩu vàng để “cắt sốt” hồi tháng 8, tháng 9 vừa qua, kim ngạch nhập khẩu ước tính 103,9 tỷ USD. Nếu loại trừ cả yếu tố giá, kim ngạch nhập khẩu chỉ tăng 3,8%, trong đó không chỉ có hàng tiêu dùng giảm mạnh mà cả những mặt hàng là đầu vào của sản xuất cũng giảm do chủ trương cắt giảm đầu tư, bởi 90,6% kim ngạch nhập khẩu là tư liệu sản xuất.

Hệ quả tất yếu của việc kim ngạch xuất khẩu tăng, nhập khẩu giảm là nhập siêu (một chỉ số được đặc biệt quan tâm khi đánh giá thực trạng nền kinh tế) cũng giảm mạnh, ước tính chỉ khoảng 9,5 tỷ USD - bằng 9,9% kim ngạch xuất khẩu - mức nhập siêu thấp nhất trong 10 năm qua, kể từ sau năm 2001.

Đây là điều đáng mừng, nhưng liệu có bền vững? Trên quan điểm thận trọng, nhiều nhà kinh tế lưu ý rằng, ngay trong năm 2011, nhập siêu qua từng tháng cũng trồi sụt thất thường. Việc kim ngạch nhập khẩu tăng chậm, nhập siêu ở mức thấp không hẳn do chính sách, hay do cải thiện được cơ cấu kinh tế, mà phần nhiều do sản xuất trong nước chùng lại.

Đã có quá nhiều lời nhắc nhở và cảnh báo về những khó khăn của năm 2012 và hoạt động xuất nhập khẩu cũng không nằm ngoài bối cảnh chung ấy. Chưa phải là lúc có thể “kê cao gối ngủ” về thành tích xuất nhập khẩu được coi là “sáng” nhất trong cả thập kỷ qua!

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục