Tại Hội nghị công tác đối ngoại Trung ương Trung Quốc, được tổ chức ở Bắc Kinh cuối tháng 11 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc “cần có nền ngoại giao nước lớn mang đặc sắc Trung Quốc, phong cách Trung Quốc và khí phách Trung Quốc”.
Đây là lần đầu tiên kể từ 8 năm qua, Bắc Kinh tổ chức một hội nghị bàn về công tác đối ngoại ở tầm cỡ này. Theo giới quan sát, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình cho thấy Trung Quốc đã gạt bỏ châm ngôn chỉ đạo đường lối đối ngoại mà ông Đặng Tiểu Bình đưa ra cách đây 20 năm là “giấu mình chờ thời”. Sau khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình đã liên tiếp công du châu Á, châu Âu, châu Phi và gần đây, sau lần đầu tổ chức năm 2001, Bắc Kinh vừa tổ chức khá thành công Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC), cố gắng tạo dựng cho Trung Quốc một vai trò cường quốc về kinh tế, an ninh quan trọng, sau nhiều năm lép vế trước Mỹ.
Chuyên gia Trương Bảo Huy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương, Đại học Lĩnh Nam Hồng Công, nhận định: “Bài phát biểu (của ông Tập Cận Bình) khẳng định, Trung Quốc đã chuyển sang một bố cục khác - một bố cục mà Trung Quốc chủ động tạo ra môi trường riêng cho mình”. Theo giáo sư Joseph Fewsmith, thuộc Đại học Boston, Mỹ, mặc dù bài diễn văn thể hiện một sự tự tin của Trung Quốc là cần phải chủ động trong ngoại giao, nhưng đồng thời cũng cho thấy ông Tập Cận Bình dường như muốn “gọt giũa” các góc cạnh thể hiện trong chính sách đối ngoại gần đây của Bắc Kinh.
Nói đến Trung Quốc, nhật báo Le Monde, Pháp nhận xét, vị thế của Trung Quốc ngày càng trở nên lớn mạnh trên thế giới, nhất là khi nước này có nền kinh tế phát triển vượt bậc và trở thành cường quốc kinh tế thứ 2 toàn cầu. Trung Quốc đã cho thế giới thấy rằng họ đã trở thành “một nhân tố quan trọng”, vươn lên ngang tầm với Mỹ, có khả năng làm trung gian hòa giải giữa Mỹ và Nga. Trung Quốc ký kết thỏa thuận về việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính với Mỹ, đây được coi là một thỏa thuận mang tính lịch sử, bởi Trung Quốc và Mỹ là hai nước gây ô nhiễm nhất hành tinh. Mỹ thì chưa từng ký Nghị định thư Kyoto, còn Trung Quốc ở trong nghị định thư này chỉ xuất hiện với tư cách là “nước mới nổi”. Với việc ký kết nói trên, Trung Quốc muốn khẳng định tầm ảnh hưởng toàn cầu của mình.
Tuy nhiên, vẫn theo nhật báo Le Monde, chính sách ngoại giao của Trung Quốc chưa tương xứng với vị thế đang lên trên trường quốc tế. Bài viết nhắc lại các vụ tranh chấp lãnh thổ với hầu hết các quốc gia ven biển Hoa Đông và biển Đông. Theo đó, Trung Quốc không chấp nhận đưa ra Tòa án Công lý quốc tế vì chỉ muốn giải quyết tranh chấp trong sân nhà, muốn đàm phán tay đôi với các nước nhỏ hơn, muốn khẳng định vị thế là cường quốc số một châu Á. Bài viết cũng phê phán thái độ thiếu hội nhập quốc tế của Trung Quốc trong hồ sơ tài chính và tiền tệ khi cố tình thao túng đồng nội tệ theo hướng có lợi cho nền kinh tế trong nước…
Việt Anh