Chưa xứng tầm

Những người có dịp du lịch nước ngoài nhiều càng thấm thía sự lãng phí của Việt Nam trong phát triển du lịch. Không nhìn đâu xa, chỉ cần so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, như Singapore, một đất nước không có gì nhiều thắng cảnh tự nhiên, di tích, di sản văn hóa, thiên nhiên hoàn toàn thua Việt Nam, cụ thể bãi biển Sentosa thì không thể so với các bãi biển tại Phan Thiết, Nha Trang, Đại Lãnh, Quy Nhơn, Đà Nẵng... về bãi cát trắng, nước biển xanh, ánh nắng chan hòa... thế nhưng số lượng khách du lịch đến đảo quốc này thì Việt Nam cũng không dám mơ đến.

Thôi không so với những nước phát triển như Singapore, hãy tạm so sánh với 2 người anh em láng giềng là Lào và Campuchia vậy. Họ có gì hơn ta về mặt du lịch? Có lẽ hầu hết người dân Việt Nam đều nghĩ rằng Việt Nam có nhiều lợi thế hơn, như nhiều danh lam thắng cảnh, nhà nước đầu tư nhiều hơn cho du lịch, từ quảng bá, xúc tiến du lịch, đầu tư hạ tầng... đến doanh nghiệp kinh doanh du lịch của Việt Nam nhiều hơn, giỏi hơn, quy mô lớn hơn, vân vân và vân vân...

Ấy vậy mà tính theo hiệu quả, du lịch Việt Nam còn thua cả Campuchia và Lào. Lào có 6,5 triệu dân nhưng đón 3,2 triệu khách quốc tế. Campuchia có 14,5 triệu dân nhưng đón 4,2 triệu khách quốc tế. Còn Việt Nam, gần 100 triệu dân chỉ đón được 7,4 triệu khách quốc tế.
Nguyên nhân thì nhiều. Các nhà quản lý thì cho rằng do các doanh nghiệp Việt Nam còn manh mún, ít liên kết nhau, “mạnh ai nấy chạy”, thậm chí còn cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm ăn chụp giật giành khách... dẫn đến làm ảnh hưởng uy tín của du lịch Việt Nam.

Còn các doanh nghiệp làm du lịch thì cho rằng do nhà nước đầu tư thiếu đồng bộ như hạ tầng giao thông, đặc biệt đường bộ, xuống cấp trầm trọng, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh của du khách; lễ hội thì nhiều, thậm chí quá nhiều với hàng ngàn lễ hội mỗi năm, nhưng chủ yếu vẫn là để “tự sướng” mà chưa có bao nhiêu lễ hội thực sự thu hút khách du lịch; nạn chặt chém, ăn xin, móc túi dường như đang trở thành “đặc sản” của nhiều điểm du lịch tại Việt Nam; chưa có sự công bằng rõ ràng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực du lịch... Một chuyên gia kinh tế từng thốt lên: “Với tất cả những tồn tại hiện nay mà ngành du lịch Việt Nam vẫn tăng trưởng quả là kỳ tích”.

Câu nói của chuyên gia trên có thể hiểu rằng, nếu chúng ta khắc phục được các hạn chế nêu trên, khi đó du lịch Việt Nam sẽ có những bước đột phá ngoạn mục.

Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn, Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận... từng là slogan của du lịch Việt Nam. Làm sao để những vẻ đẹp ấy thực sự phát huy hiệu quả một cách xứng tầm chứ không chỉ dừng lại là khẩu hiệu. Trách nhiệm không chỉ thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh du lịch mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam.

Sài Gòn Giải Phóng thứ bảy

Tin cùng chuyên mục