Chuẩn bị chốt hệ thống giao dịch chứng khoán có thể tải 3-5 triệu lệnh/ngày

Phát biểu tại tọa đàm trực tuyến “Nghẽn lệnh tại HoSE: Thực trạng và giải pháp” do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức ngày 24-6, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE khẳng định, hệ thống giao dịch có sự tham gia của FPT sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6 hoặc chậm nhất là đầu tháng 7, nâng năng lực xử lý của HoSE từ 900.000 lệnh/ngày lên 3-5 triệu lệnh/ngày.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Khi tình trạng nghẽn lệnh xảy ra, Bộ Tài chính đã coi sự cố này là tình trạng khẩn cấp quốc gia
Còn về hệ thống công nghệ thông tin mới cho toàn thị trường chứng khoán của Hàn Quốc (KRX), ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, quá trình chạy thử nghiệm hệ thống của KRX sẽ diễn ra trong khoảng 6 tháng và đến cuối năm 2021 có thể hoạt động chính thức.

Ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), cho biết thêm, vào 14 giờ ngày 24-6, ban chỉ đạo xử lý hệ thống giao dịch HoSE có buổi họp với Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, để công bố thời điểm triển khai hệ thống mới của FPT.

Ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HoSE:  Nghẽn lệnh do số lượng lệnh tham gia giao dịch thị trường vượt quá 900.000 lệnh
Giải thích thêm về tình trạng nghẽn lệnh, ông Trà cho biết, số lượng lệnh hệ thống có thể xử lý trong một ngày giao dịch tối đa 900.000 lệnh nhưng thời gian qua số lượng lệnh tham gia giao dịch thị trường vượt quá 900.000 lệnh, vì vậy, xảy ra tình trạng nghẽn lệnh. Điều này giống như con đường được thiết kế sử dụng 900.000 xe tham gia giao thông nhưng lượng xe vượt quá nên tắc nghẽn. Tuy nhiên, điểm khác biệt của hoạt động giao dịch này so với giao thông là mỗi lệnh giao dịch không giống xe mà khác nhau ở tham số lệnh giao dịch. Ví dụ, đặt mua 100 cổ phiếu là 1 lệnh, 10.000 cổ phiếu cũng là 1 lệnh giao dịch, mỗi lệnh hủy/sửa cũng là một lệnh giao dịch và được tính vào con số 900.000 lệnh. Cùng một số lượng lệnh được khớp nhưng giá trị giao dịch hoàn toàn khác. Điều này lý giải tại sao các phiên giao dịch xảy ra nghẽn lệnh tại nhiều ngưỡng khác nhau về  giá trị giao  dịch.

Về tình trạng sửa, hủy lệnh, theo ông Trà, tất cả đều là nỗ lực của HoSE, công ty chứng khoán... nhằm xử lý số lượng lệnh tham gia hệ thống giao dịch gây nghẽn. Việc nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu, với dữ liệu HOSE có được thì giảm được 15-18% số lệnh, nhiều lệnh được khớp hơn, giá trị giao dịch tăng lên nhưng những giải pháp này không được bao lâu vì tài khoản mới nhà đầu tư vẫn được dự báo gia tăng.

Liên quan đến câu hỏi của nhiều nhà đầu tư có hay không việc trục lợi khi  các công ty chứng khoán hạn chế hủy, sửa  lệnh, ông Dương Dũng Triều,  Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) cho rằng, khi ứng dụng được đưa vào vận hành như HoSE được kiểm tra cẩn thận, liên quan đến bảo mật; hệ thống được thiết kế để phần cứng này hỏng sang phần khác chạy... vì thế, không có trục lợi khi giao dịch nghẽn.

Theo ông Trần Văn Dũng, khi tình trạng nghẽn lệnh xảy ra, Bộ Tài chính đã coi sự cố này là tình trạng khẩn cấp quốc gia, tập trung mọi nguồn lực để xử lý dứt điểm. Một trong những mục tiêu lớn nhất là không để thị trường ngừng nghỉ dù chỉ là một ngày. Cũng theo ông Dũng, việc nghẽn lệnh không thể chỉ đổ lỗi hoàn toàn khách quan mà còn do nhà quản lý đã có lúc bị sao nhãng, không lường trước hết tình hình thị trường có thể tăng tốc nhanh như hiện nay. Chính điều đó đã dẫn tới hệ thống mới chưa được chuẩn bị một cách kịp thời. Việc nghẽn lệnh là điều đáng tiếc nhưng cũng cho thấy thị trường đã tăng trưởng vượt bậc.

Tin cùng chuyên mục