Chuẩn bị hàng hóa tết: Đảm bảo nguồn cung, ổn định giá

Ngày 20-11, Sở Công thương TPHCM đã làm việc với các doanh nghiệp (DN) chủ lực của TPHCM về triển khai kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, đồng thời bàn bạc các giải pháp để đảm bảo nguồn cung và ổn định giá cả đối với mặt hàng thịt heo trong dịp mua sắm cao điểm tết sắp tới.
Dù giá đang có xu hướng tăng nhưng nhu cầu mua thịt heo của người dân vẫn rất lớn. Ảnh: CAO THĂNG
Dù giá đang có xu hướng tăng nhưng nhu cầu mua thịt heo của người dân vẫn rất lớn. Ảnh: CAO THĂNG

Làm rõ nguyên nhân thịt heo bị đẩy giá 

Tại cuộc họp, hầu hết DN khẳng định, công tác chuẩn bị hàng tết đang diễn ra đúng tiến độ. Các DN hoàn toàn có thể điều chỉnh tăng thêm sản lượng hàng bình ổn tết từ 10% - 30% tùy nhóm hàng để tạo nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Cụ thể, ở nhóm thịt và trứng gia cầm, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, cho biết, DN có thể tăng sản lượng gà ta cung ứng cho thị trường tết lên 30% so với kế hoạch đã đăng ký, đồng thời kiến nghị “TP nên xem xét đưa mặt hàng gà công nghiệp vào danh mục hàng bình ổn tết. Loại gà này chỉ nuôi trong 35 ngày là có thể giết thịt, giá lại ổn định nên sẽ giải quyết cùng lúc nhiều tiêu chí trong tình hình hiện nay”.

Liên quan đến thịt heo, bà Phạm Thị Ngọc Hà cho rằng, TP cần làm rõ nguyên nhân vì sao hàng không thiếu nhưng giá lại rất cao? Liệu có hay không tình trạng nhà cung ứng ém giữ hàng để chờ tết hoặc các DN đang tự quyết định giá bán nên đã đẩy giá lên cao. “Tôi cho rằng thịt heo nhập khẩu đang nằm ở DN tư nhân rất nhiều. TP cần rà soát lại toàn bộ lượng thịt đã nhập khẩu để có thể đánh giá tổng quan và cân đối cung cầu. Hiện chúng tôi lo rằng hàng nhập nhiều quá thì không tiêu thụ hết, trong khi chi phí để lưu kho là rất lớn. Nếu chúng ta chuẩn bị tốt nguồn hàng thay thế trong bối cảnh giá thịt heo tăng cao thì người dân buộc phải chuyển hướng tiêu dùng”, bà Phạm Thị Ngọc Hà phân tích. 

Tương tự, bà Phạm Thị Kim Em, đại diện Công ty Ba Huân, khẳng định, công ty có thể tăng sản lượng trứng và thịt gia cầm lên 30% so với kế hoạch. Hiện DN cũng đã nghiên cứu thành công việc chế biến lạp xưởng bằng thịt gà, thay vì thịt heo như trước, đưa ra thị trường nhiều mặt hàng chế biến như chà bông gà, xúc xích gà, trứng tiềm để tạo sự đa dạng, phong phú về hàng tết… Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sargi) cũng cho biết, sẽ tăng thêm sản lượng thịt heo bình ổn lên 10% so với kế hoạch và lên phương án đưa mặt hàng thịt heo thảo mộc vào diện bình ổn trong dịp tết. 

Về phía Công ty cổ phần Vissan, ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc công ty, cho biết, Vissan lên kế hoạch nhập khẩu 2.500 tấn thịt heo đông lạnh, hiện 2.000 tấn được nhập về đang nằm trong kho. Điều đáng lo là tâm lý người tiêu dùng vẫn thích sử dụng thịt heo nóng nên thịt heo nhập chỉ phục vụ cho mục đích sản xuất và chế biến của Vissan. 

Các hệ thống phân phối như Saigon Co.op, Big C, Aeon, Aeon - Citimart hiện cũng đã làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo lượng hàng thực phẩm tươi sống như thịt heo, thịt bò, gà, rau củ quả và thủy hải sản cung ứng cho dịp tết tăng từ 20%-30%. 

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM:

"Đây là năm đầu tiên TPHCM đưa mặt hàng thịt heo ra khỏi danh sách chốt giá bán trong 2 tháng trước và sau Tết Nguyên đán mà thả theo giá thị trường để các DN có thể chủ động về nguồn cung. Tuy nhiên, việc không chốt giá không có nghĩa TP sẽ thả tự do mà yêu cầu các DN phải đảm bảo giá bán luôn thấp hơn giá thị trường từ 5%-10%"
Các mặt hàng thiết yếu dồi dào


Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP, khẳng định, hầu hết các mặt hàng thiết yếu phục vụ tết như bánh mứt kẹo, hoa tươi, thịt gia cầm, trứng gia cầm, gạo các loại, đường, dầu ăn, bia và nước giải khát sẽ rất dồi dào, phong phú về nguồn cung, giá cả tiếp tục ổn định. TPHCM đã làm việc với hầu hết tỉnh, thành có nguồn cung lớn để xác nhận lại thời gian cung ứng và số lượng để TP có thể chủ động điều phối hàng hóa cho phù hợp. Riêng với thịt heo, cũng theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, tại thời điểm này lượng thịt vẫn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng hàng ngày, tuy nhiên giá cả đã tăng khá cao so với cùng kỳ. 

Để ổn định thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán, bên cạnh giải pháp căn cơ là xây dựng chuỗi cung ứng khép kín, Sở Công thương đang tập trung các giải pháp theo dõi sát thị trường thịt heo và thực phẩm thay thế như thịt gia cầm, thịt bò, rau củ quả. Sẽ phối hợp với ngành du lịch vận động các nhà hàng, khách sạn có thể sử dụng thịt heo đông lạnh vào chế biến món ăn. Các DN phân phối cũng tăng cường sử dụng thịt đông lạnh trong việc cung ứng các mặt hàng sơ chế và nấu chín để giảm thiểu việc sử dụng thịt heo nóng. Vận động các nhà sản xuất dùng thịt gà để gói bánh chưng, bánh tét, có thể sử dụng thịt heo kho tàu chung với thịt gà, thịt vịt. Tiếp tục vận động người dân chuyển hướng tiêu dùng để giảm bớt áp lực cho thịt heo. Sở cũng sẽ vận động các DN tăng cường khuyến mãi các mặt hàng thịt và trứng gia cầm, rau củ quả để kích cầu tiêu dùng. 

Trong quá trình chuẩn bị, nếu các DN phân phối bị thiếu hụt nguồn cung, hoặc các nhà cung cấp không đáp ứng đầy đủ lượng hàng so với kế hoạch đăng ký phải báo ngay về Sở Công thương để giải quyết, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa dẫn đến giá bán tăng cao, gây mất ổn định thị trường tết.

------------------------------
Bộ Công thương đề xuất các giải pháp kiểm soát giá thịt heo
Tối 20-11, Bộ Công thương đã có thông tin gửi báo giới thông báo kế hoạch và các giải pháp sẽ thực hiện sắp tới để bình ổn giá thịt heo trong nước.

Bộ Công thương cho biết, tại buổi làm việc giữa Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT, hai bên đã thống nhất sơ bộ số liệu cân đối cung cầu mặt hàng thịt heo các tháng cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 như sau: Dự báo nguồn cung thịt heo các tháng cuối năm thiếu khoảng 200.000 tấn, tương đương mỗi tháng sẽ thiếu 70.000 tấn thịt hơi (tính cho 3 tháng gần tết là tháng 11, 12-2019 và tháng 1-2020).

Hiện nay, theo chức năng nhiệm vụ được giao, việc công nhận thị trường được nhập khẩu thịt heo, heo thịt chính thức vào Việt Nam và việc kiểm soát nhập khẩu mặt hàng thịt heo do Bộ NN-PTNT chủ trì thực hiện. Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, phân phối thực phẩm, các doanh nghiệp đã đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương nhập khẩu lượng thịt heo thiếu hụt để bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Bộ Công thương đề nghị các địa phương, bộ ban ngành liên quan tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, tránh tình trạng găm hàng, tăng giá dịp cuối năm; giám sát chặt chẽ và hạn chế tối đa việc buôn bán thịt heo sang các nước láng giềng nhằm vừa giữ được nguồn cung cho thị trường trong nước vừa tránh tình trạng lây lan dịch bệnh.

Đề nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo ngành thú y tạo điều kiện cho các sản phẩm thịt heo, heo thịt an toàn lưu thông qua các địa phương để bảo đảm nguồn cung thịt heo cho các vùng, miền nhằm hạn chế tình trạng tăng giá cục bộ gây bất ổn thị trường. Các địa phương định hướng cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tăng cường đưa ra các sản phẩm thịt heo chế biến sẵn (như thịt kho tàu, nhân bánh chưng, chân giò muối…) được chế biến từ thịt heo đông lạnh nhập khẩu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người dân và thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt nóng trên thị trường. Tăng cường các hoạt động truyền thông về giá cả thị trường, tình hình nguồn cung nhằm tránh tình trạng thiếu thông tin, gây bất ổn thị trường. Tăng cường tuyên truyền đến người dân về việc sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt heo và sử dụng sản phẩm thịt heo đông lạnh thay cho thịt nóng nhằm giảm áp lực cho nguồn cung thị trường trong nước.
VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục