Hiện đã bước vào giai đoạn chạy nước rút chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Làm thế nào để giúp thí sinh ôn tập nhẹ nhàng, hiệu quả? Việc tạo căng thẳng, nhồi nhét kiến thức cho thí sinh sẽ lợi bất cập hại như thế nào?
Giờ học môn Sinh của học sinh lớp 12 Trường THPT Diên Hồng. TPHCM.
Môn Sử, Sinh: Tỷ lệ tự chọn thấp nhất
Đó là kết quả khảo sát về các môn thi tự chọn của học sinh lớp 12 ở TPHCM. Phần đông thí sinh đăng ký chọn môn Lý, Hóa, Sinh và thực tế này phản ánh đúng xu hướng chọn nghề nghiệp của các em cũng như nỗi lo lưu cữu “lấy ai học môn Sử?”.
Theo Trường THPT Nguyễn Khuyến, trong tổng số 776 học sinh lớp 12 thì môn Lý có trên 500 em đăng ký; môn Hóa trên 300 em; môn Sinh trên 120 em; Địa 92 em và Sử 15 em.
Tương tự, học sinh của Trường THPT Marie Curie cũng nghiêng về chọn lựa 3 môn Lý, Hóa, Sinh, còn Sử chỉ có 26 em đăng ký.
Tại Trường THPT Ngô Gia Tự, tỷ lệ thí sinh chọn 2 môn Lý, Hóa chiếm cao nhất với trên 66%, tiếp theo là môn Địa trên 22%, còn Sinh, Sử là thấp nhất với trên 13%.
Theo hiệu trưởng các trường, dù số học sinh chọn môn Sinh, Sử ít thậm chí chỉ có vài em một môn thì nhà trường vẫn tổ chức ôn tập chu đáo, kỹ lưỡng.
Bước sang năm thứ hai, kỳ thi THPT quốc gia mang thông điệp đổi mới cách thi cử và ra đề đã từng bước ổn định tâm lý, giảm âu lo cho người dạy lẫn người học. Dựa theo cấu trúc đề thi năm trước và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về kế hoạch ôn tập, các trường đã chủ động đổi mới cách dạy cũng như ôn tập sát chương trình.
Nhiều hiệu trưởng cho biết: “Ngay từ đầu năm học 2015-2016, đa phần học sinh lớp 12 đã làm quen với cách dạy, cách học theo hướng mở, gắn kiến thức đã học với thực tiễn ứng dụng, giải quyết các vấn đề mà cuộc sống đặt ra”.
Cô Lê Thị Ngọc Trang, Tổ trưởng tổ Văn Trường THPT Nguyễn Khuyến TPHCM, chia sẻ định hướng ôn tập môn Văn cho học sinh lớp 12: “Ngoài hệ thống kiến thức căn bản theo chương trình sách giáo khoa, học sinh còn được mở rộng, tiếp cận các tác phẩm văn học để rèn luyện kỹ năng đọc hiểu, cảm thụ văn học. Ở giai đoạn nước rút này, học sinh vẫn sôi nổi tham gia thuyết trình, bày tỏ suy nghĩ, quan điểm về các vấn đề thời sự xã hội, liên hệ thực tiễn cũng như cách giải quyết vấn đề mà cuộc sống đặt ra”.
Cũng theo nhiều giáo viên dạy môn Văn lớp 12, ngoài chú trọng rèn luyện về phương pháp, kỹ năng làm bài, học sinh phải có tư duy, ứng dụng sáng tạo những gì đã học vào thực tiễn.
Về môn Toán, thầy Nguyễn Quốc Hùng, Tổ trưởng bộ môn Toán của Trường THPT Nguyễn Khuyến, cho rằng quan trọng nhất là hướng dẫn học sinh ôn tập hiệu quả thông qua việc củng cố kiến thức, khuyến khích các em tự học, tự làm bài tập tại nhà.
Nhồi nhét kiến thức sẽ không hiệu quả
Với quan điểm “không tạo áp lực cho học sinh, giúp các em tự học, tự tin với năng lực của mình trước khi bước vào cuộc đua quan trọng”, đến thời điểm này nhiều trường THPT công lập vẫn tuân thủ quy định dạy theo chương trình chính khóa và chưa vội vàng tăng tốc ôn tập.
Theo cô Võ Thị Hồng Lan, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Khuyến, việc nhồi nhét kiến thức sẽ không mang lại hiệu quả và hiện tại học sinh lớp 12 chỉ học một buổi, còn buổi chiều ở nhà tự ôn tập. Sau khi kết thúc chương trình, thi học kỳ 2 xong thì đến ngày 25-4, trường mới triển khai ôn tập cho thí sinh theo các tự chọn đăng ký. Ngoài ra, nhà trường cũng chú trọng phụ đạo cho học sinh có học lực yếu, trung bình để các em vượt qua kỳ thi này.
Tương tự, các trường như THPT Diên Hồng, THPT Nguyễn Hữu Thọ… cũng chưa “tăng tiết, tăng tốc ôn tập” và học sinh vẫn học theo chương trình chính khóa. Thầy Lê Duy Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Diên Hồng, cho biết: “Từ đầu năm học, nhà trường đã chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, dạy theo hướng mở, tránh học tủ, học vẹt, nhất là các môn xã hội như Văn, Sử, Địa. Từ đó hình thành kỹ năng, phát triển tư duy vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn”.
Còn theo thầy Lê Xuân Giang, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, sau khi học sinh lớp 12 thi xong học kỳ 2, trường mới tăng tiết ôn tập cũng như phụ đạo cho số học sinh kém lấy lại căn bản. Như thế, trong tháng 5 - 6 mới là cao điểm tổ chức cho thí sinh ôn luyện, củng cố kiến thức, kể cả thi thử, luyện đề thi.
Trên tinh thần tổ chức ôn thi nhẹ nhàng, tạo tâm lý thoải mái, Trường THPT Marie Curie thay đổi cách làm và cho học sinh lớp 12 được quyền tự chọn giáo viên mình yêu thích để ôn tập vào buổi chiều nếu có nhu cầu. Tuy nhiên, do lo sợ học sinh của mình không đạt được thành tích cao trong kỳ thi THPT quốc gia, nhiều trường THPT công lập không chỉ tăng tốc ôn thi, cho thi thử, mà còn ép học sinh học tăng tiết, học ngoài giờ.
Riêng học sinh lớp 12 ở các trường THPT tư thục thì chịu áp lực ôn tập căng thẳng, khốc liệt hơn. Không chỉ kết thúc chương trình chính khóa sớm hơn, thí sinh cũng phải chạy đua tăng tốc ôn tập từ đầu học kỳ 2 với lịch học, làm bài, giải đề thi kín mít từ sáng sớm đến khuya.
Một trong những “lò rèn” thí sinh vào guồng ôn tập khắc nghiệt nhất phải kể đến Trường THPT Nguyễn Khuyến (tư thục) - nơi tự hào về thành tích có tỷ lệ thí sinh đậu đại học cao nhất. Lịch học của thí sinh dày đặc từ đầu tuần đến chủ nhật và mỗi ngày ba ca - bắt đầu từ 6 giờ 30 đến 22 giờ. Một học sinh lớp 12 quê ở thành phố Vũng Tàu cho biết: “Mục đích của em và cha mẹ là phải đậu đại học nên dù phải học nhiều, giải bài tập, luyện đề nhiều nhưng cũng phải cố gắng”.
Nhiều trường THPT tư thục khác ở quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh…cũng đưa học sinh vào guồng máy tăng tốc ôn luyện, giải đề thi liên tục.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc ép học và ôn luyện quá mức, nhồi nhét kiến thức quá nhiều vào thời gian cao điểm chỉ còn 3 tháng nữa là đến ngày vượt vũ môn sẽ khiến thí sinh quá tải, mệt mỏi và kết quả thi sẽ không cao.
Khánh Bình