Trước đây, vấn đề chính quyền đô thị đã được đặt ra. Thế nhưng, vấn đề chỉ được xới lên rồi để đấy trong khi tốc độ đô thị hóa tại nước ta vẫn diễn ra chóng mặt.
Theo Bộ Xây dựng, hiện cả nước có 755 đô thị các loại. Trong vòng 10 năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam có khoảng 12 đô thị mới hình thành và nhiều đô thị cũ mở rộng quy mô. Vì thế, vấn đề chính quyền đô thị lại được đặt ra, nóng bỏng, sát sườn, không phải từ phía các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan chức năng mà từ chính các chính quyền địa phương đang quản lý những đô thị lớn, đặc biệt như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng...
Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc đặt ra vấn đề xây dựng chính quyền đô thị vào thời điểm hiện nay là phù hợp bởi lẽ nhu cầu có một mô hình quản lý đô thị kiểu mới, nhanh, gọn, không quan liêu đã trở nên bức thiết và hơn nữa, cũng là thời điểm chúng ta bàn đến việc phải sửa đổi Hiến pháp sau 20 năm phát triển kinh tế xã hội. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí từng nhấn mạnh, mô hình chính quyền đô thị đề xuất lần này nhằm tăng tính tự chủ, tự quản cho thành phố, tăng trách nhiệm để đáp ứng nhu cầu cấp bách về một cơ chế “mềm” phục vụ quản lý, phát triển đô thị.
Cùng với đó là việc tăng cường vai trò của người đứng đầu chính quyền đô thị. Việc phải có một chính quyền đô thị mạnh là quy luật tất yếu khi chiếc áo cũ đã trở nên quá chật. Việc may chiếc áo mới này rõ ràng là nhu cầu tự thân chứ không phải do người khác khoác vào. Với mô hình đó, chúng ta có quyền hy vọng về một đô thị hiện đại, năng động, tự chủ trong tương lai, không thua kém đô thị lớn nào trên thế giới.
Thế nhưng, chính quyền đô thị dường như mới chỉ là một nửa vấn đề khi chúng ta kỳ vọng vào những đô thị hiện đại trong tương lai, bởi nói đến chất lượng đô thị không thể không nói đến những cư dân sống trong những đô thị đó. Vậy thì hình như, cho đến thời điểm này, vấn đề chuẩn bị tâm thế cho người dân bắt nhịp vào một đô thị hiện đại với những mô hình, những cách quản lý mới hầu như chưa được đặt ra. Không ít cư dân đô thị vốn đã quen với mô hình quản lý mà ở thành phố nhưng lại giống như ở nông thôn, với các cấp chính quyền, các cơ chế chính sách không có nhiều sự khác biệt. Phần lớn cư dân thành phố được hưởng lợi từ tiện ích trong đô thị hơn hẳn những cư dân các vùng khác nhưng lại phản ứng dữ dội khi bị áp những mức phí cao hơn các địa phương khác. Đó là chuyện đã từng xảy ra khi Hà Nội, TPHCM thí điểm áp dụng mức xử phạt hành chính cao hơn, thu phí, lệ phí trước bạ phương tiện giao thông cao hơn mặt bằng chung. Cũng cần nói thêm rằng, không ít “người thành phố” vẫn giữ những thói quen sinh hoạt, ăn mặc, đi lại tùy tiện, bất chấp kỷ cương mà không biết những thói quen đó đã phá hỏng bộ mặt của đô thị hiện đại. Bằng chứng là nhiều khu đô thị mới nhanh chóng trở nên nhếch nhác. Chưa kể không ít cư dân đô thị luôn đòi hỏi chính quyền phải đáp ứng nhu cầu nhưng lại không nhìn thấy rõ phần trách nhiệm của mình trong việc đóng góp, xây dựng đô thị ấy như thế nào…
Vậy làm thế nào để người dân hiểu về sự cần thiết của chính quyền đô thị và hiểu về vai trò, vị trí của mình trong sự phát triển chung của đô thị hiện đại? Thiết nghĩ đó cũng là điều đầu tiên mà khi xây dựng chính quyền đô thị cần phải đặt ra. Với sự quản lý thống nhất, chính quyền đô thị cần quan tâm, tuyên truyền, giáo dục để các cư dân có sự chuyển biến trong nhận thức và nhất là tạo ra những thế hệ công dân mới với đầy đủ tâm thế trở thành những công dân hiện đại của những đô thị hiện đại. Một chính quyền đô thị mạnh luôn rất cần sự ủng hộ của người dân.
M. DUY