Theo nhận định, khó có thể có giải pháp tức thời để cải thiện quan hệ lao động (QHLĐ) bởi QHLĐ trên cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đang ở thời kỳ khó khăn nhất. Vậy TPHCM có lộ trình nào cho việc chuẩn hóa QHLĐ?
Thời kỳ khó khăn nhất
Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM cho biết, mặc dù TP có nhiều giải pháp hỗ trợ nhưng thực tế đời sống người lao động vẫn còn khó khăn. Do đó, QHLĐ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, diễn biến phức tạp. Trong tháng 9-2013, một số DN đã chủ động tăng thêm mức hỗ trợ từ 200.000 – 250.000 đồng/người/tháng. Thấy vậy, CN các DN khác cũng rục rịch đòi tăng thêm khoản hỗ trợ trong khi không ít DN thời điểm này lại đang gặp khó khăn. Các DN còn lại trong KCX Linh Trung 1, 2 chưa điều chỉnh đang đứng trước nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động tập thể.
Không chỉ trong thời điểm cuối năm, theo Ban chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN, sở dĩ QHLĐ đang trong thời kỳ khó khăn nhất trong quá trình phát triển là bởi còn nhiều ngành, nghề sử dụng nhiều lao động giản đơn, lương thấp, điều kiện lao động chưa được đảm bảo. Khó khăn trong việc xây dựng QHLĐ hài hòa còn ở chỗ nhận thức và tính tổ chức của CN chưa cao nên dễ hành động tự phát. Khoảng 25% CN không biết có bao nhiêu bậc lương, không biết có việc ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Thực tế cho thấy, các DN xây dựng thỏa ước lao động tập thể chủ yếu để thể hiện là DN đã có thỏa ước, chứ đó chưa phải là kết quả quá trình thương lượng của đại diện tập thể lao động và người sử dụng lao động. Điều đó làm mất đi ý nghĩa của thỏa ước như một công cụ điều hòa quan hệ của hai bên trong QHLĐ và cũng phần nào giải thích lý do tại sao ở những DN có thỏa ước thì đình công vẫn xảy ra. Trong 175 vụ đình công xảy ra trên địa bàn TP thời gian gần đây có đến 123 DN đã xây dựng thỏa ước nhưng đình công vẫn xảy ra, thậm chí, đình công về những vấn đề đã được quy định trong thỏa ước.
Đặc biệt, các thiết chế QHLĐ (hòa giải, trọng tài và tòa án) ở TP lại chưa phát triển và gần như không hoạt động được. Đội ngũ hòa giải viên lao động (trên 110 người) từ khi thành lập (2008) đến nay vẫn chưa tiếp nhận và xử lý một cuộc tranh chấp lao động tập thể nào. Sở LĐTB-XH TPHCM lý giải, không bên nào (người lao động hoặc người sử dụng lao động) cậy nhờ đến hòa giải viên lao động là vì tất cả các cuộc tranh chấp lao động tập thể dẫn tới đình công đều diễn ra một cách tự phát (chưa có một cuộc đình công nào do công đoàn tổ chức). Hệ quả, hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh cũng chỉ để làm kiểng, thành lập và tồn tại chủ yếu về mặt pháp lý.
Chuẩn hóa giải quyết tranh chấp
Luật pháp đã đưa ra các bước giải quyết một cuộc đình công do công đoàn lãnh đạo, xuất phát từ tranh chấp về lợi ích và đã qua các bước hòa giải, trọng tài nhưng không thành. Khi một cuộc đình công không có các yếu tố trên thì việc giải quyết đình công không thể tiến hành theo đúng trình tự thủ tục pháp luật quy định. Và đó chính là hiện trạng đình công cũng như giải quyết đình công hiện nay ở TPHCM. Ban chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN lo ngại, khi một cuộc đình công tự phát mà người đình công vẫn đạt được toàn bộ hay một phần yêu sách của mình thì đó là điều khiến CN tại DN đó và những DN khác cho rằng đình công tự phát là dễ nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Như vậy, sẽ diễn ra một vòng luẩn quẩn, đình công thế nào thì giải quyết thế đấy và giải quyết thế nào thì sẽ khiến CN đình công thế đấy.
Bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động – Tiền lương – Tiền công, Sở LĐTB-XH TP cho biết, sẽ sớm hoàn thiện Đề án phát triển quan hệ lao động tại TPHCM giai đoạn 2013-2020 với 5 nhóm giải pháp và 16 hành động cụ thể. Trong đó, đề án được thiết kế để chuẩn hóa quá trình giải quyết các cuộc đình công ở cả hai tình huống (tuân theo và không tuân theo trình tự thủ tục quy định trong luật), làm sao cho việc giải quyết đình công không trở thành một trong những tác nhân tiếp tục kích thích đình công.
Theo Ban chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN, bên cạnh việc hình thành bộ phận chuyên trách về QHLĐ thuộc Sở LĐTB-XH, điểm mới trong công tác quản lý nhà nước về QHLĐ là TP sẽ thí điểm xây dựng hồ sơ QHLĐ đối với DN có nguy cơ cao về tranh chấp lao động để triển khai các biện pháp hỗ trợ và phòng ngừa việc phát sinh tranh chấp, đình công. TP sẽ tổ chức lại và tăng cường năng lực cho đội ngũ hòa giải viên; thí điểm hoạt động can thiệp của hòa giải viên trong giai đoạn có nguy cơ xảy ra đình công (tiền đình công); nếu không nhận được yêu cầu, hòa giải viên cũng phải chủ động xuống DN để hỗ trợ hai bên giải quyết tranh chấp.
Thay vì tác nghiệp chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tiễn, các cán bộ về quan hệ lao động sẽ được đào tạo bài bản. Cùng với chăm lo cho CN, TP cũng yêu cầu LĐLĐ TP nâng chất hoạt động để bảo vệ người lao động.
HỒNG HIỆP - ĐƯỜNG LOAN