Sở GD-ĐT Hà Nội vừa buộc dừng toàn bộ hoạt động giảng dạy tiếng Anh tại MST English; giải thể những cơ sở giáo dục của Công ty MST tự ý thành lập và dừng toàn bộ hoạt động giảng dạy đối với bà Nguyễn Thị Kim Tuyến.
Dư luận rất đồng tình với việc xử lý rốt ráo này vì bà Nguyễn Thị Kim Tuyến đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm học viên, thậm chí sau đó còn lớn tiếng thách thức dư luận. Câu chuyện này tiếp nối nhiều câu chuyện không vui về người dạy học có những lời nói, phát ngôn chưa đúng chuẩn mực, xảy ra trước đó.
Một cô giáo dạy toán ở Nhà Bè (TPHCM) từng có những phát ngôn đi xa bài giảng, khi được nhắc nhở thì giận, tuyên bố sẽ không nói gì khi dạy ở lớp đó, để không ai có thể bắt lỗi được. Cô giáo này làm thinh suốt mấy tháng liền đến khi có học sinh phản ánh với Sở GD-ĐT TPHCM. Một thầy giáo dạy văn ở Phú Nhuận từng nói chuyện cá nhân trong lớp, làm những việc không liên quan tới bài học, kể những câu chuyện phản cảm, có nhiều lời xúc phạm một số cá nhân trong lớp, đã bị kỷ luật, không được tiếp tục đứng lớp.
Một giáo viên người Mỹ dạy tiếng Anh ở Hà Nội khi viết trên Facebook cá nhân đã có lời lẽ xúc phạm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đội tuyển U.23 Việt Nam, đã bị dư luận lên án gay gắt, sau đó bị cho thôi việc… Đó là những phát ngôn được ghi lại, những sự việc được phát hiện, công bố rộng rãi và xử lý. Cũng có những phát ngôn, hành xử không hay của người thầy nhưng chưa bị phát giác, không thành “bão” dư luận, nhưng trong mắt người học, hình tượng người thầy không còn đẹp, lời giảng không còn thuyết phục nữa.
Người có văn hóa, cẩn trọng khi phát ngôn, lựa lời phù hợp để nói. Có những câu, những lời nói ở hoàn cảnh này, với đối tượng này thì phù hợp, nhưng ở hoàn cảnh khác, đối tượng khác thì không. Vì vậy, ông bà ta cũng đã dặn dò: “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Là người thầy, người đứng lớp, lời nói càng phải được cân nhắc một cách thận trọng.
Ở xã hội ta, người thầy luôn là một hình tượng, hình mẫu, thậm chí là một tượng đài, thường nhận được sự tôn trọng lớn lao của cả người học và phụ huynh, nên mỗi lời nói ra cần đạt được một chuẩn mực nhất định. Không chỉ vậy, trong môi trường giáo dục, lời người thầy thường là “khuôn vàng thước ngọc” nên có sự tác động đến nhận thức, suy nghĩ, tình cảm của người học.
Với học sinh nhỏ tuổi, lời nói, thái độ, cách ứng xử, tư cách của người thầy còn có thể ảnh hưởng đến việc hình thành thói quen, nhân cách của học sinh, nên học sinh hoàn toàn có thể lặp lại, bắt chước những gì nghe được, thấy được. Khi chính người thầy nói những lời không hay thì không thể dạy học sinh một cách thuyết phục, khi học sinh có lỗi cũng khó phê bình được, bởi suy cho cùng, học sinh đang làm theo cách của người thầy mà thôi.
Do đó, khi đứng lớp, người dạy phải luôn ý thức về những điều mình nói. Ngoài bài giảng mang tính chuyên môn thì trong giao tiếp, người thầy cần nói với thái độ tôn trọng người nghe, bằng tình cảm thân ái với người học; nói bằng ngôn từ phù hợp với lứa tuổi, với môi trường học đường. Tuyệt đối tránh xúc phạm, nhục mạ, phân biệt đối xử với người học, bất kể người học ở lứa tuổi nào, bất kể trong lúc giảng bài hay trong lúc phê bình. Người thầy cần tận tâm dạy học, chứ không phải vì lo ngại sẽ bị ghi âm, ghi hình, bị tung lên mạng xã hội, vì nếu đã nói lời không hay thì dù chỉ một người nghe cũng là không hay, bản thân cũng cần thấy ngượng và phải sửa chữa.
Các cơ sở giáo dục (trường học, trung tâm…) cần giám sát chặt chẽ hành vi, thái độ của những người thầy, có nhiều kênh lắng nghe phản hồi của người học, tổ chức nhiều hình thức trưng cầu ý kiến một cách khéo léo để có thể thu thập được những phản ánh trung thực, để từ đó có biện pháp chấn chỉnh các trường hợp chưa hay, chưa đúng hoặc quá lệch chuẩn. Những trường hợp vi phạm cần có hình thức xử lý nghiêm túc, hợp lý, hợp tình và nên tổ chức sinh hoạt để rút kinh nghiệm chung toàn trường.