Sách giáo khoa được xem là phương tiện truyền tải kiến thức căn bản và chuẩn nhất đến với học sinh. Chính vì vậy, việc soạn và đổi mới sách giáo khoa luôn là mối trăn trở của những người làm công tác giáo dục cũng như của tất cả các bậc phụ huynh.
Ai biên soạn, đưa những kiến thức nào vào, thời lượng bao nhiêu, khi nào cần phải bổ sung, soạn mới... rất nhiều vấn đề xung quanh câu chuyện sách giáo khoa.
Với hầu hết các bậc phụ huynh, họ không quan tâm nhiều đến quá trình biên soạn với rất nhiều yêu cầu khắt khe, họ chỉ quan tâm rằng sách giáo khoa phải truyền tải được những kiến thức nền phù hợp lứa tuổi, thông tin phải chính xác, không có lỗi kỹ thuật, thế nhưng những đòi hỏi tưởng chừng rất đơn giản ấy xem ra lại là chuyện khó với những nhà biên soạn sách giáo khoa. Tìm lỗi kiến thức đến lỗi chính tả trên sách giáo khoa xem ra không khó lắm.
Cách đây độ 30 năm, học sinh thường không mua sách giáo khoa mà đầu năm học được nhà trường cho mượn, cuối năm học trả lại nhà trường. Gia đình nào có điều kiện mua sách giáo khoa thì em có thể sử dụng lại sách của anh chị. Chẳng biết hồi ấy bao nhiêu năm mới đổi mới sách giáo khoa một lần, chỉ biết có những bộ sách giáo khoa được hàng chục thế hệ học sinh sử dụng.
Ngày nay, gần như các em không thể sử dụng lại sách giáo khoa của anh chị dù chỉ cách nhau 2-3 tuổi. Một phần do điều kiện kinh tế khá giả nên nhiều phụ huynh muốn mua sách giáo khoa mới cho con, nhưng quan trọng hơn là mỗi năm sách giáo khoa lại có điều chỉnh hoặc chỉnh sửa. Người thì cho rằng việc chỉnh sửa, điều chỉnh sách giáo khoa cho phù hợp cuộc sống hơn, nhưng cũng không ít người cho rằng việc chỉnh sửa, điều chỉnh để người học sau phải mua sách giáo khoa mới, như vậy mới tạo công ăn việc làm cho nhà xuất bản(?)...
Thôi thì lý do nào cũng được, giáo viên, học sinh và phụ huynh chỉ mong rằng sau mỗi lần chỉnh sửa, điều chỉnh sách giáo khoa sẽ ngày càng hoàn thiện hơn, tốt hơn về kiến thức... đừng để tình trạng sửa vẫn sửa, sai vẫn sai. Thậm chí có những quyển sách giáo khoa sau 3 lần chỉnh sửa nhưng có những lỗi chính tả vẫn không được phát hiện.
Bộ Giáo dục - Đào tạo đã xây dựng Đề án Biên soạn sách giáo khoa mới với tổng giá trị hàng ngàn tỷ đồng. Tiền rất quan trọng cho việc biên soạn sách giáo khoa, nhưng tiền thôi chưa đủ mà đi theo nó còn là sự tâm huyết, chất xám và trên cả là tinh thần trách nhiệm với xã hội, cộng đồng và tương lai của đất nước.
Sài Gòn Giải Phóng thứ bảy