Cư dân chung cư Bàu Cát 2 (phường 10, quận Tân Bình, TPHCM) thường khoe căn hộ của mình ngày càng có giá, do nằm ở vị trí thuận lợi cho hoạt động kinh doanh hàng quán. Nhưng thực ra chính lợi thế ấy đang là nguyên nhân của sự xuống cấp về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, làm giảm chất lượng sống của cư dân tại đây.
Diễn ra cảnh lấn chiếm, buôn bán bát nháo nhất tại chung cư Bàu Cát 2 là khu công viên phía mặt tiền lô K, cạnh đường Hồng Lạc. Tại đây, cùng với hàng loạt quán cà phê còn có các quán nhậu thu hút hàng trăm khách đến nhậu thâu đêm. Anh Lê Hữu Dũng ở tầng 1 lô K, than: “Tối nào cũng vậy, những tiếng hô “Một, hai, ba… dô!” cứ vang lên liên hồi từ các quán nhậu, làm mọi người mất ngủ. Lại còn thêm năm bảy lượt người bán kẹo kéo đến mở loa hết cỡ, ca hát inh ỏi dù đã rất khuya. Nhiều khách nhậu đã ngà ngà say còn hứng chí giành hát, thậm chí gây nên những cuộc ẩu đả, khiến cả khu vực càng ồn ào, náo loạn.
Chị Nguyễn Minh Hạnh cũng ở lô K, phản ánh: “Hàng quán lấn chiếm lối đi nội bộ, vỉa hè, công viên… bày bàn ghế, dù, mái che di động tràn lan. Các quán còn kéo điện thắp sáng các bảng hiệu, thả dây điện ngay trên mặt đường không đảm bảo kỹ thuật rất nguy hiểm. Có quán nhậu còn chiếm dụng công viên làm chỗ nấu nướng và đổ rác tràn lan”.
Nhiều cư dân khu chung cư này phản ánh hoạt động của hàng quán về đêm quá ồn ào, đôi lúc còn gây mất trật tự. Hầu hết quán cà phê ở đây đều mở ti vi các trận bóng đá trực tiếp lúc nửa đêm về sáng, rất ồn ào, làm ảnh hưởng đến giờ nghỉ ngơi của mọi người. Tình trạng này không chỉ diễn ra tại lô K, mà ở cả các lô khác trong khu chung cư.
Riêng tại lô K, do vị trí 2 mặt tiền đường lớn nên còn gồng mình gánh cả một bến cóc đưa đón khách và hàng hóa 2 chiều tuyến TPHCM đi miền Trung. Mỗi buổi sáng, khu vực này rất nhộn nhịp không khác gì một bến xe thực thụ. Cảnh hành khách xuống bến hoặc chờ xe, vận chuyển hàng hóa... diễn ra ồn ào ngay công viên, thế nên thảm cỏ luôn xơ xác, đầy rác.
Anh Nguyễn Trí Nguyên, Trưởng ban Quản trị lô K, cho biết đã có văn bản phản ánh tình trạng này với UBND phường, nhưng rồi sự yên tĩnh của khu vực chỉ giữ được vài hôm, rồi đâu lại vào đấy. Riêng hoạt động vận tải hành khách, thỉnh thoảng cũng thấy lực lượng chức năng của phường hoặc quận đến kiểm tra, xử phạt nhưng không hiểu vì sao bến cóc này vẫn ngang nhiên tồn tại.
“Đã có nhiều hộ phải chuyển đi nơi khác và một số hộ đang rao bán căn hộ cũng vì lý do hàng quán bát nháo khiến chất lượng sống ở đây trở nên tệ hại” - anh Nguyên bức xúc.
TRẦN NGỌC NGHỊ