Trước ngày thống nhất đất nước, ở Hà Nội không có chữ “chung cư”. Ngạc nhiên ở chỗ, Hà Nội là nơi sau ngày tiếp quản năm 1954 còn rất ít gia đình được sống riêng trong một số nhà. Những nhà vắng chủ được chia cho cán bộ từ chiến khu về. Những nhà còn chủ nhưng diện tích quá rộng cũng được cho người vào ở ghép tạm. Đã có nhiều người ở tạm hơn nửa thế kỷ. Phần lớn biến thành chủ nhà.
Nếu mà đem chiết tự cụm từ Hán Việt này ra thì nó mang một nghĩa bi hài. Theo các nhà Hán học, “chung cư” có nghĩa là nơi ở cuối cùng. Có nhiều liên tưởng đến nghĩa địa. Họ đề nghị nên viết là “chúng cư” với nghĩa là nơi ở đông người. Nhưng nghĩa địa thì cũng vậy. Không có nghĩa địa cho một người.
Hà Nội có rất nhiều chung cư. Không kể những số nhà trên phố có nhiều hộ ở thì bắt đầu từ thập kỷ 60 người ta cũng cho xây dựng khá nhiều chung cư mới với tên gọi là “khu tập thể”. Khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Nam Đồng, Kim Liên… là nhà xây lợp ngói thấp tầng có công trình vệ sinh và bếp nấu chung. Diện tích một căn thường từ 16 đến 20m². Buổi sáng là cảnh xếp hàng rồng rắn ở nhà vệ sinh chung. Buổi chiều xếp xô chậu ở phòng tắm công cộng.
Mỗi tầng chỉ có hai phòng tắm và hai phòng vệ sinh dùng cho khoảng gần hai chục gia đình. Căn bếp nấu chung không đủ chỗ, người ta biến hành lang trước cửa thành bếp nấu của nhà mình. Bếp dầu, nồi xoong, vại cà và phuy nước chăng ngang. Luộc măng, rán chả lá lốt, phi hành tỏi thơm váng. Nhiều hôm ăn cơm với đậu hủ luộc vẫn nghe đủ mùi thịnh soạn.
Khu Trung Tự, Văn Chương, Giảng Võ, Thành Công, Thanh Xuân… hoàn toàn là những dãy nhà hộp chiếm diện tích khá lớn được xây dựng sau. Lúc này khái niệm về nhà tập thể cũng đã hư hao đi ít nhiều. Các căn hộ riêng biệt có đủ công trình phụ. Chỉ còn cái bóng điện cầu thang không bao giờ tắt là của chung.
Căn hộ ở khu tập thể được phân cho cán bộ, công nhân viên chức thuê. Diện tích tùy theo chức vụ. Có ca dao tự an ủi hồi ấy: Ông nhỏ ở cái nhà thật to. Ông to ở vài ba nhà nhỏ… là nói đến cán bộ nhỏ ở nhà tập thể và cán bộ to ở biệt thự. Khu tập thể có nhiều sinh hoạt tập thể. Họp hành tết nhất cho người lớn. Học hành và yêu nhau cho thanh niên. Chơi đùa thể thao cho thiếu niên và cụ già. Đội bóng thiếu niên nhà B1 đá với B2 ở khoảng sân giữa hai khối nhà. Anh B3 hôn chị B4 ở đầu nhà B6. Cưới nhau thuê xe đón dâu chạy một vòng lên Hồ Tây lại quay về đúng chỗ cũ.
Giờ thì những building hai chục tầng mọc lên nhan nhản khắp Hà Nội và những vùng ngoại ô. Không ai gọi đó là những khu nhà tập thể nữa. Vì quy mô căn hộ tập thể 20m2 đã thành định nghĩa vững chắc trong đầu người ta mất rồi. Những chung cư cao tầng có thang máy và hầm để xe. Căn hộ rộng hàng trăm mét vuông có đến vài ba toilet.
Vẫn có nhiều thứ giống với khu nhà tập thể. Bóng điện hành lang không bao giờ tắt. Tiền điện đã được tính vào phí dịch vụ rồi. Đèn mà tắt chỉ vài phút người ta sẽ gọi điện cho ban quản lý tòa nhà ngay lập tức. Chung cư vẫn có một sinh hoạt duy nhất gắn kết cộng đồng như hồi ở nhà tập thể. Đó là thỉnh thoảng kéo nhau xuống sân chung căng biểu ngữ khiếu nại chủ đầu tư tòa nhà về những dịch vụ được cung cấp không tương xứng với số tiền họ nộp.
Chung cư cao cấp không chỉ dành cho cán bộ cao cấp. Ai cũng có thể ở, miễn là đồng cấp về tiền bạc. Đủ để mua và đủ để chi phí dịch vụ hàng tháng. Thế cho nên cán bộ cao cấp, nhà khoa học, văn nghệ sĩ và đám tội phạm ma túy tỉnh xa nhiều khi chung một mái nhà. Chẳng nên gọi đó là khu tập thể nữa. Trên đời không có tập thể nào nhiều thành phần đến thế.
Chung cư cao ốc mọc lên với tốc độ quá nhanh. Nền giáo dục phổ thông không kịp cập nhật. Không có bài học nào trong chương trình phổ thông dạy trẻ con, người lớn cách sống ở chung cư. Người ta vẫn xử sự với nó như ở khu tập thể ngày xưa. Lạ nhất là chuyện người thì mới nhưng thói quen hoàn toàn cũ. Đại khái cửa giả mở phanh, ca nhạc và xào nấu ỏm tỏi. Rác rưởi vứt ra hành lang chung. Thắp hương cả bó lên bàn thờ khiến cho hệ thống báo cháy kêu inh ỏi. Biến buồng thang máy thành chỗ cho trẻ con ăn bột. Nửa đêm khoan trộm vài chiếc vít nở đánh thức cả tòa nhà.
Ở chung cư là điều tất yếu, mọi thành phố đều phải tuân theo quy luật tăng trưởng dân số. Người Hà Nội có may mắn hơn nơi khác là đã từng có kinh nghiệm ở chung cư cả to và nhỏ từ hơn nửa thế kỷ rồi. Nhưng hình như bây giờ ít người muốn ra chung cư ở. Chẳng biết như thế có lãng phí kinh nghiệm hay không?
Tháng 7- 2014
ĐỖ PHẤN