Đa phần các dự đoán về thị trường chứng khoán mở cửa lại sau kỳ nghỉ Tết Canh Dần dài đều kỳ vọng về màu xanh trên bảng giá. Các dự đoán này đều dựa trên hai cơ sở: dòng tiền sẽ mạnh lên và tâm lý của nhà đầu tư phấn khởi.
Kỳ vọng vào dòng tiền nhàn rỗi
Sau các biến động bất lợi về kinh tế vĩ mô, động thái quản lý theo hướng thắt chặt tiền tệ khiến các nguồn tiền đòn bẩy cho chứng khoán bị kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, vốn đổ vào chứng khoán trong thời gian qua chủ yếu là vốn tự có. Một tỷ lệ lớn các nhà đầu tư cá nhân hiện đang xài tiền túi để kinh doanh chứng khoán đã trải qua nhiều sóng gió ở giai đoạn trước. Do đó, tâm lý của họ khá vững.
Thực tế về biến động giá chứng khoán trong tháng 1 và 2-2010 cho thấy ngưỡng hỗ trợ của VN – Index ở 477 điểm khá vững vàng. Lực cầu khi chạm ngưỡng này đều bật mạnh lên. Nhà đầu tư cá nhân cũng “phòng thủ” khá ổn định ở khoảng 470 - 480 điểm. Khi ngưỡng này không bị xuyên thủng, nó đã tạo nên một đáy trong tâm lý của nhà đầu tư. Cộng với đó là việc dòng vốn do vốn tự có chi phối, nhà đầu tư cũng không hoảng loạn, không bán tháo cắt lỗ. “Thị trường có xuống thì anh em xúm lại cột dây kéo nó lên, không sợ” – nhà đầu tư Trần Hà tại sàn ACBS nói đùa. Khi VN – Index tái lập và vượt qua mốc 500 điểm, sự lạc quan đã trở lại.
Tuy nhiên, đặc thù của vốn tự có là an toàn nên cũng không xuất hiện xu hướng tăng nóng, cho dù vừa qua có nhiều thông tin khả quan về kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nguồn tín dụng từ ngân hàng dành cho đầu tư chứng khoán bị thắt lại, cũng nghĩa là thông tin hỗ trợ tốt nhất cho thị trường bị kiềm chế. Nhà đầu tư đang hy vọng về tín hiệu mới từ tín dụng, khi kinh tế đã có nhiều chỉ báo về sự ổn định.
Chìa khóa nằm ở cổ phiếu “vua”?
Ở giai đoạn thị trường chứng khoán tăng nóng đột biến 2006 - 2007, nhóm cổ phiếu tài chính – ngân hàng được coi là “vua”. Chính nhóm cổ phiếu này đã nhiều lần dẫn dắt thị trường đi lên. Sau đó, khi thị trường tụt mạnh và ảm đạm một thời gian dài, chính cổ phiếu “vua” cũng góp phần quan trọng để vực dậy sự hồi phục.
Tuy nhiên, trong một năm qua, cổ phiếu tài chính – ngân hàng đã không còn giữ được phong độ. Khi thị trường giảm, nhóm này giảm nhiều hơn mức trung bình của thị trường. Khi thị trường tăng, nhóm cổ phiếu này lại tăng ít hơn mức trung bình. Đó là lý do của nhận định “vua đã mất ngai”. Thời gian vừa qua, những cổ phiếu thuộc ngành thủy sản, bất động sản, xây dựng… mới thay nhau đóng vai trò đầu kéo cho thị trường. Hy vọng nhen nhóm cho các nhà đầu tư là những phiên giao dịch trước khi nghỉ tết, các cổ phiếu ngân hàng đã xanh khá mạnh dạn.
Cần nhắc lại rằng chính các ngân hàng là nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách kích cầu. Nguồn tiền kích cầu dồi dào đã làm tăng “sức khỏe” của ngân hàng, trước khi bơm đến doanh nghiệp. Nhưng sau khi chính sách tiền tệ đi theo hướng thắt chặt, ngân hàng đã chịu nhiều khó khăn, đặc biệt là thanh khoản. Từ đó, các ngân hàng thương mại chỉ còn trông chờ vào chìa khóa lớn nhất là lãi suất để kéo nguồn tiền nhàn rỗi. Hiện nay đang có nhiều ý kiến từ các chuyên gia về việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Nếu điều này xảy ra, tất nhiên nguồn tín dụng sẽ mạnh lên và các đòn bẩy cho chứng khoán cũng được “thơm lây”. Nhưng đây cũng mới chỉ là “nếu”. Do vậy động thái tăng giá của nhiều cổ phiếu, trong đó có nhóm cổ phiếu tài chính – ngân hàng, chỉ nên nhìn nhận ở góc độ kỳ vọng. Đây chưa phải là xu hướng chắc chắn.
Một thông tin hỗ trợ quan trọng nữa là phương thức giao dịch T+2 dự kiến sẽ được áp dụng trong thời gian tới. Điểm quan trọng nhất của phương thức này là làm thanh khoản của thị trường được cải thiện. Khi dòng tiền quay vòng càng nhanh, hưng phấn cho giao dịch chứng khoán càng khả quan. Một lưu ý có tác động tích cực nữa là đóng cửa giao dịch tuần trước, các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới đều nhuộm sắc xanh. Tâm lý so sánh và “ăn theo” thị trường ngoại cũng là một yếu tố không thể bỏ qua.
Một vấn đề cần nhấn mạnh là nhà đầu tư không nên quá tin tưởng vào các báo cáo, phân tích, nhận định của các quỹ đầu tư hoặc công ty chứng khoán.
Vũ Bách