Hãng Reuters ngày 10-2 đưa tin các chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ và châu Âu đã lao dốc khi các nhà đầu tư lo lắng trước những số liệu đáng thất vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, và cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp.
Nỗi lo Trung Quốc “hạ cánh cứng”
Tại sàn giao dịch New York, trước khi đóng cửa ngày 9-2, chỉ số công nghiệp Dow Jones của 30 tập đoàn, công ty lớn của Mỹ mất giá 95,08 điểm, tương đương 0,53%. Hai chỉ số chứng khoán chủ lực khác là Standard & Poor 500 và Nasdaq Composite cũng bị mất giá lần lượt là 0,43% và 0,39%. Tại châu Âu, chỉ số FTSEurofirst 300 giảm 0,73%.
Các chuyên gia phân tích thị trường cho biết thông báo về kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 1-2015 giảm tới 3,3% và nhập khẩu giảm tới 19,9% so với cùng kỳ cách đây một năm khiến các nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ nền kinh tế lớn thứ hai này của thế giới đang có chiều hướng “hạ cánh cứng”. Mức giảm 3,3% về xuất khẩu và 19,9% về nhập khẩu là mức cao nhất của Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Chính phủ Trung Quốc đã và đang có các biện pháp hạ nhiệt tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế sau nhiều thập kỷ phát triển trên 2 con số. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chậm lại rất nhiều so với ý định của Chính phủ Trung Quốc. Bằng chứng là tốc độ tăng GDP của Trung Quốc năm 2014 chỉ đạt 7,4%, thấp nhất trong vòng 24 năm qua.
Rối nợ Hy Lạp
Tuyên bố ngày 9-2 của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker không chấp nhận đề xuất mới của Hy Lạp khiến các nhà đầu tư lo lắng cuộc khủng hoảng nợ của Athens sẽ bị đẩy vào tình trạng căng thẳng hơn, có thể dẫn tới nguy cơ vỡ nợ, thậm chí buộc nước này phải đi tới quyết định rút ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Hy Lạp vẫn bất đồng với các chủ nợ khi từ chối rút lui kế hoạch đàm phán lại nợ trong khi Đức và Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Athens có quan điểm thực dụng hơn.
Các nhà đầu tư tại sàn giao dịch chứng khoán New York theo dõi sát sao biến động giá các loại cổ phiếu.
Ông Jean-Claude Juncker nói rõ Athens không nên kỳ vọng rằng tâm trạng ở châu Âu đã thay đổi tới mức eurozone sẽ chấp nhận vô điều kiện kế hoạch của Athens đàm phán lại gói cứu trợ thứ nhất trị giá 240 tỷ EUR mà nhóm bộ ba chủ nợ gồm EC, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dành cho Hy Lạp.
Ông Juncker cũng không cho rằng Hội nghị thượng đỉnh EU, dự kiến diễn ra ngày 12-2 tới, sẽ đạt được bất kỳ thỏa thuận mới nào đối với những đề xuất mà Athens đưa ra, mặc dù Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras liên tục bày tỏ lạc quan về một sự thỏa hiệp tại cuộc họp này. Thủ tướng Đức Angela Merkel đề nghị Hy Lạp giới thiệu một chương trình tài chính có thể tồn tại được, song vẫn khơi lên tia hy vọng mong manh về một thỏa thuận mới khi nhắc lại quan điểm: chờ Athens đưa ra chương trình mới rồi sẽ thảo luận về vấn đề này.
Bà Merkel nhấn mạnh chính sách của Đức luôn là Hy Lạp ở trong eurozone, song các nguyên tắc cơ bản trong thỏa thuận cứu trợ của nhóm bộ ba phải được giữ nguyên.
Trong bối cảnh sắp đến thời hạn chót (28-2), Hy Lạp phải thuyết phục được EU trao cho nước này một phao cứu sinh tạm thời, Athens dự định đưa ra thỏa thuận bắc cầu tại cuộc họp đặc biệt của các bộ trưởng tài chính eurozone vào hôm nay 11-2 với mục tiêu ký thỏa thuận cải cách không kèm các chính sách thắt lưng buộc bụng để có thể áp dụng thỏa thuận này từ ngày 1-9 tới.
Nguồn tin Bộ Tài chính Hy Lạp cho biết Athens sẽ đề nghị thay thế những cam kết tài chính mà họ cho là “độc hại” trong chương trình cứu trợ 240 tỷ EUR bằng kế hoạch cải cách 10 bước được soạn thảo với sự tham gia của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
ĐỖ CAO (tổng hợp)