Hơn nửa số doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn chứng khoán (CK) của Việt Nam hoạt động giao dịch dưới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu (CP). Ở thời điểm mà CP còn rẻ hơn bó rau bán ở chợ, người ta đã nghĩ, không còn mức đáy nào thấp hơn nữa và đây có thể là cơ hội tốt để mua vào. Nhưng từ đầu tháng 11-2011, CK liên tục tuột dốc, CP ào ạt giảm giá, đáy VN-Index tiếp tục bị phá thủng, niềm tin của nhà đầu tư cạn dần với đà tuột dốc của CK.
Hết thời “lên voi”
Gặp lại anh bạn quen, người có thâm niên, một thời phất lên nhờ bất động sản và CK, hỏi chuyện “sống chết” thế nào sau cú vỡ của bong bóng bất động sản, tài chính vừa qua, anh bạn cười ngượng “cũng may anh còn thoi thóp, còn nhóm bạn đã tiêu tùng, giờ thất nghiệp, buồn quá, tụi nó rủ đi du lịch nhưng chỉ dám chọn nơi nào ít tốn kém thôi!”.
Thực ra, không có tiền để du ngoạn không đúng lắm, điểm khác bây giờ là thay đổi điểm đến và số tiền bỏ ra cho mỗi chuyến đi. Ngày trước, mỗi người có thể bỏ 50 - 100 triệu đồng cho mỗi chuyến đi du lịch Âu, Mỹ, giờ chọn đi nơi nào có giá… bèo hơn chút, chuyển sang du lịch trong nước chẳng hạn! Họ đã từng nắm giữ một vài chức vụ quan trọng trong các công ty bất động sản, CK, với mức lương vài chục triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản thu khác nhờ vào mối lái “vô mánh” của nghề. Nhưng nay các công ty bất động sản, CK hoạt động thoi thóp, kinh doanh không lãi làm thu nhập giảm, nhân sự bị cắt giảm. Nỗi buồn trên là một thực tế!
Ở thời điểm cách đây gần 3 năm, mua CP chắc chắn sẽ có lời, CK nóng đến độ anh hớt tóc vỉa hè cũng sẵn sàng bỏ nghề mưu sinh, kiếm cơm hàng ngày để lên sàn vì có cơ hội làm giàu nhanh hơn. Các lớp học về CK của Trường ĐH Ngân hàng TPHCM mở đông nghịt người đăng ký theo học, nhiều người hy vọng sẽ đầu tư kiến thức về CK để có thể trở thành nhân viên, nhà môi giới làm việc trong các công ty CK.Vào thời điểm đó, các công ty CK đã ồ ạt ra đời và được xem là một trong những lĩnh vực ăn nên làm ra, mức lương và thu nhập ở đây cao ngất ngưởng. Nhân sự làm việc trong công ty CK cũng trở nên khan hiếm, đắt giá.
Thị trường OTC hoạt động khá rầm rộ, người không am hiểu gì về CK cũng sẵn sàng bỏ tiền nhờ người quen mua mà không có miếng giấy lận lưng, không biết được công ty mình đang đầu tư tên gì, kinh doanh trong lĩnh vực nào, hình thức huy động vốn để đầu tư kinh doanh hay chuẩn bị phát hành ra thị trường. Đầu tư CK có ăn, tâm lý bầy đàn, thấy người ta mua cũng mua theo. Cách đây hơn 3 năm, chị K. bỏ ra gần cả trăm triệu đồng để mua 5.000 CP OTC của công ty Đ.T., qua nhiều lần hứa hẹn, mừng hụt chờ đợi CP này sẽ lên sàn, nhưng đến nay trước cơn “bạo bệnh” của thị trường CK, Đ.T. tiếp tục chưa thể trình làng. Với lãi suất như hiện nay, chị K. tiếc nuối, nếu gửi tiết kiệm ngân hàng số tiền trên thì trong hơn 3 năm qua đã có thêm khoản tiền không nhỏ, đỡ phải thấp thỏm lo âu như bây giờ. Không chỉ có chị K., còn nhiều nhà đầu tư mua CP OTC khác cũng đang hồi hộp chờ đợi, không biết bao giờ CP họ mua mới chính thức lên sàn.
Tạm quên chứng khoán
Khi thị trường CK Việt Nam ở giai đoạn phôi thai và thời hoàng kim nhất, mua đâu cũng thấy lời, đến nỗi các chuyên gia kinh tế tầm cỡ thế giới cũng phải “bất lực” trước một thị trường “kỳ lạ”, vì nó hoạt động không theo một nguyên tắc nào để họ có thể đưa ra dự đoán. Và cái gì đến cũng phải đến, sự mới mẻ của thị trường hình thành hơn 10 năm của CK Việt Nam cũng đã nhận nhiều thất vọng sau 2 đợt khủng hoảng. Tính đến quý 3-2011, hơn 50% trong số 696 công ty niêm yết trên 2 sàn hoạt động dưới mệnh giá (10.000 đồng/CP). Ở thời điểm hiện nay, giá của bó rau còn đắt hơn giá CP. Có nhiều công ty đang niêm yết, giá chỉ còn 4.000 - 5.000 đồng/CP.
Một trong những CP đang đứng ở hàng top dưới, đáng lưu ý nhất là CP SAM (Công ty CP Cáp và Vật liệu Viễn thông). SAM là một trong những mã CK lên sàn đầu tiên của thị trường CK Việt Nam, trong một giai đoạn dài lừng lẫy đứng vào hàng top CP blue-chip, nay giá trị CP chỉ còn khoảng 5.000 đồng/CP. REE của Công ty CP Cơ điện lạnh cũng từng một thời là blue-chip, nay giao dịch ở mức cầm chừng trên mệnh giá một chút. Chỉ có VNM (Vinamilk) là còn giữ được phong độ, hiện vẫn là blue-chip, có giá cao nhất tại sàn HOSE.
Sau khi các công ty công bố kết quả kinh doanh 3 quý đầu 2011, nhiều nhà đầu tư hy vọng CP sẽ sáng sủa hơn vào cuối năm. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, bám sàn, lướt sóng nhẹ cho rằng, nhiều khả năng các công ty sẽ làm giá để có được những con số đẹp hơn cho báo cáo tài chính cuối năm, giá CP chắc chắn sẽ tăng lên đôi chút. Vì vậy, những CP có giá dao động ở mức trên 10.000 đồng/CP được quan tâm đặt mua. Tuy nhiên, nhiều mã có lượng bán ra rất ít, hoạt động giao dịch gần như đóng băng. Sau thời mọc ra như nấm, thị trường giao dịch ảm đạm, các công ty CK cũng đang chết dần. Và trong thời điểm khó khăn hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, liệu nhà đầu tư có thể yên tâm khi giao hết tài sản giao dịch CP của mình cho công ty CK? Vì nhà đầu tư sẽ nhận hết rủi ro nếu như công ty CK xảy ra sự cố tài chính.
Trong khi thị trường còn ảm đạm, trong tuần qua chỉ số VN-Index tiếp tục tuột dốc và liên tục bị phá thủng đáy. Nhiều mã CK đang trên mệnh giá có nguy cơ rớt giá. Với đà tụt dốc này, tỷ lệ công ty niêm yết hoạt động dưới mệnh giá sẽ tăng lên. Vì vậy, một số doanh nghiệp đã có ý định xin ngừng giao dịch. Quá ê chề, doanh nghiệp và nhà đầu tư không còn muốn nhắc đến CK.
Tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá trị vốn hóa trên thị trường CK Việt Nam không nhích lên mà giảm dần. Năm 2007, giá trị vốn hóa thị trường CK chiếm khoảng 45% GDP, mục tiêu đặt ra cho năm 2008 có thể tăng lên 60% GDP. Nhưng hiện nguồn vốn này còn lại khoảng 40% GDP.
HÀ NHAI