Gia nhập WTO

Chứng nhận quốc tế về cải cách trong nước

Chứng nhận quốc tế về cải cách trong nước

Theo kế hoạch, hôm nay, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển và Phó đại diện Thương mại Hoa Kỳ Karan Bhatia sẽ chính thức ký thỏa thuận kết thúc đàm phán song phương Việt Nam-Hoa Kỳ. Với thỏa thuận này, con đường vào WTO của Việt Nam đã được “dọn quang đãng” và việc gia nhập WTO sẽ trở thành bước ngoặt ấn tượng của kinh tế Việt Nam – Đại sứ Ngô Quang Xuân, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh LHQ và WTO ở Geneva (Thụy Sỹ) nhận định.   

  • Bước tiến cải cách trong nước
Chứng nhận quốc tế về cải cách trong nước ảnh 1

Theo Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế (NCIEC), với việc gia nhập WTO, Việt Nam sẽ có cơ hội thực sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới, được hưởng sự đối xử bình đẳng và các ưu đãi thương mại cho một nước đang phát triển ở trình độ thấp. Đây là điều kiện hết sức cần thiết để Việt Nam mở rộng xuất khẩu những mặt hàng có tiềm năng nhờø thành quả của 12 năm đàm phán giảm thuế và mở cửa thị trường.

Hiện tại, nền kinh tế Việt Nam đang hướng mạnh đến xuất khẩu với hàng loạt ngành hàng có năng lực cạnh tranh như: thủy sản, gạo, cà phê... Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận định: Sẽ có nhiều thách thức khi Việt Nam gia nhập WTO nhưng xét về hàng hóa, nông sản Việt Nam có thế mạnh về cà phê, cá, hạt tiêu, gạo... Tuy nhiên, khó khăn nhất có lẽ là ngành dịch vụ. Vì hiện nay ngành dịch vụ của chúng ta còn quá mới mẻ, thậm chí nhiều lĩnh vực ta còn bỏ trống.

Còn theo Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, nhìn một cách trực tiếp, cái mà Việt Nam có thể “bỏ túi” ngay khi gia nhập WTO là tạo ra một tiền đề cho thương mại và đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài, tạo ra hệ thống chính sách ổn định, có thể tiên đoán được. Tuy nhiên, khó khăn đối với Việt Nam hiện nay là sự bất bình đẳng giữa các nước thành viên WTO, các nước càng gia nhập sau càng bị áp dụng tiêu chuẩn cao hơn, cùng với sự bất bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ đối với một nước đang phát triển (nghĩa vụ thì nặng nề nhưng quyền lợi không tương xứng).

Vì vậy Bộ trưởng Trương Đình Tuyển nhấn mạnh: “Quan điểm của tôi là phải thúc đẩy cải cách trong nước, tạo ra môi trường mới cho kinh doanh-đầu tư, tạo điều kiện huy động mọi nguồn lực trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài. Còn vào WTO chẳng qua chỉ là giấy chứng nhận có tính quốc tế về những cải cách trong nước mà thôi”.  

  • Nỗ lực vượt qua thử thách mới

Nhìn vào các cam kết cơ bản của thỏa thuận WTO giữa Việt Nam-Hoa Kỳ, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thử thách mới. Cụ thể như về quyền thương mại, Việt Nam sẽ phải hủy bỏ tất cả các giới hạn trong nhập khẩu mà các công ty có vốn đầu tư nước ngoài có thể nhập khẩu, giảm tối đa vai trò của các doanh nghiệp Nhà nước trong các hoạt động thương mại (bao gồm bỏ vai trò của Nhà nước trong việc là cơ quan duy nhất được nhập khẩu một số các mặt hàng nhất định).

Các công ty Mỹ có quyền cung cấp các dịch vụ và sản phẩm cho các doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam. Về hàng hóa nông nghiệp, khoảng 3/4 hàng hóa nông nghiệp Mỹ vào Việt Nam có mức thuế từ 15% trở xuống, bao gồm: bông sợi, thịt bò có chọn lựa, nho, táo, đào, lê, đậu nành, thịt lợn và các loại thịt khác và đồng ý công nhận kiểm định chất lượng của Mỹ cho các sản phẩm thịt bò, thịt lợn, các loại gia cầm tương đương với hệ thống của họ. Trong khi đó, 94% hàng nhập khẩu từ Mỹ sẽ có mức thuế dưới 15%...

Theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Việt Nam sẽ có 3 giai đoạn sau khi gia nhập WTO gồm ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Trong đó, giai đoạn ngắn hạn (trong vòng 1-5 năm tới), nền kinh tế, thương mại, doanh nghiệp hàng hóa thương hiệu Việt Nam sẽ rất khó khăn. Thời gian trước mắt gay go nhất là đối với một số doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là những doanh nghiệp xưa nay vẫn dựa vào bao cấp.

ANH NHI

Tin cùng chuyên mục