Chung sức bảo tồn di tích

Giữ gìn những giá trị văn hóa
Chung sức bảo tồn di tích

Cuộc thi “Thuyết minh giới thiệu di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn TPHCM” do Sở VH-TT-DL TPHCM, Thành đoàn TNCS TPHCM và Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức tại Bảo tàng TPHCM trong những năm qua, không chỉ giúp học sinh, đoàn viên hiểu thêm về di tích lịch sử văn hóa mà còn cho thế hệ trẻ hôm nay nhìn nhận đầy đủ hơn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa.

Phần thi của học sinh Trường THCS Dương Bá Trạc, quận 8.

Phần thi của học sinh Trường THCS Dương Bá Trạc, quận 8.

Giữ gìn những giá trị văn hóa

Lớn lên ở nơi có làng nghề gốm một thời hưng thịnh của đất Sài Gòn xưa, em Phạm Nguyễn Minh Tuấn, học sinh lớp 9/1 Trường THCS Tùng Thiện Vương, quận 8 không khỏi tiếc nuối khi chia sẻ về di tích khảo cổ học lò gốm Hưng Lợi: “Cách đây gần một tuần, em nhờ ba chở đến lò gốm để tìm thêm tư liệu và hình ảnh chuẩn bị cho cuộc thi thì quá bất ngờ vì không ai biết di tích, dù họ đang ở ngay nơi tọa lạc của lò gốm cổ. Cuối cùng em cũng tìm được, nhưng di tích bị che phủ toàn cỏ dại. Em băn khoăn mãi với suy nghĩ ông bà ta từ hàng trăm năm trước đã biết làm đồ gốm, lưu truyền qua nhiều đời trở thành một trong những nghề lâu đời nhất của dân tộc mà di tích Lò Gốm Hưng Lợi lại hoang tàn như thế. Đến cuộc thi hôm nay, em mong các bạn thêm hiểu biết, quý trọng, các cơ quan quản lý cùng chung sức tôn tạo di tích Lò gốm Hưng Lợi để nó không bị mai một và hoang phế”.

Cũng đồng cảm với những giá trị văn hóa hàng trăm năm bị lãng quên, em Trần Thị Thanh Tâm, lớp 9/1 Trường THCS Bình Chiểu, tâm tình bằng những lời văn đơn sơ, mộc mạc, lối diễn thuyết trôi chảy khi nhắc đến ngôi mộ cổ của vị Tiền hiền Tạ Dương Minh, người đã lập nên chợ Thủ Đức. Tâm chia sẻ: “Khi quyết định chọn đây là đề tài dự thi, em biết rất khó để có hình ảnh đẹp, rất khó để nói về những nét kiến trúc tài hoa, bay bổng do hiện nay di tích này phần nào đã xuống cấp, hơn nữa cũng ít người biết đến. Em mong di tích mộ Tiền hiền Tạ Dương Minh nhanh chóng được trùng tu đàng hoàng. Khi đó, di tích sẽ tiếp tục là nơi không chỉ học sinh chúng em mà toàn thể người dân Thủ Đức, nhất là các tiểu thương thường xuyên viếng thăm, chăm sóc để làm ấm lòng bậc tiền bối, nhớ công lao của người khai ấp lập chợ, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta”.

Tâm điểm di tích lịch sử cách mạng

“Đối với nhiều học sinh, kiến thức về lịch sử, về văn hóa hầu như không có gì thêm ngoài những bài học từ ghế nhà trường. Nhiều bạn tuy sống ngay mảnh đất có nhiều di tích gắn bó với lịch sử, với truyền thống đấu tranh của dân tộc nhưng không biết, thậm chí chưa từng nghe tới. Nhờ có cuộc thi mà em và các bạn có cơ hội biết nhiều và có trách nhiệm hơn với những di tích lịch sử văn hóa ở TP của mình”, em Đoàn Trần Bảo Khánh, học sinh lớp 8 Trường THCS Long Hòa, huyện Cần Giờ bày tỏ. Là một giáo viên dạy giáo dục công dân, thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh nên cô Trần Thị Hồng Loan, giáo viên Trường THCS Long Bình (quận 9) khá tự tin khi nói về di tích căn cứ vùng Bưng sáu xã. “Tôi đã đi, tìm và đọc rất nhiều tài liệu về di tích này. Cái khó là diễn đạt thật xúc động để nêu bật những chiến công hào hùng của quân và dân vùng đất này cũng như những mất mát, hy sinh của họ trong những năm tháng chiến tranh”.

Di tích lịch sử cách mạng Địa đạo Củ Chi cũng là tâm điểm của rất nhiều thí sinh. Một địa đạo huyền thoại, vùng đất thép kiên cường trong chiến tranh và một vùng đất Củ Chi đang từng ngày vươn lên, từng ngày khởi sắc đi đầu trong xây dựng nông thôn mới đã được khắc họa thật sống động. Và truyền thống bất khuất, anh hùng của đất thép Củ Chi mãi mãi là sức mạnh, là niềm tự hào của mỗi người con đất Việt. Em Nguyễn Lan Anh, học sinh Trường THCS Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp tâm sự: “Tham quan địa đạo Củ Chi, em hiểu được bao nhiêu là những khó khăn, vất vả của các thế hệ cha ông trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Quân và dân Củ Chi vô cùng gan dạ, bất khuất và thông minh. Em thích nhất là chi tiết kẻ thù phải thốt lên kinh ngạc: “Làng ngầm”, “Việt Cộng không thấy đâu mà đâu đâu cũng có”.

“Cuộc thi Thuyết minh giới thiệu di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn TPHCM diễn ra sôi nổi và hào hứng. Đáng mừng, đáng khích lệ là các bạn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, về hình thức thể hiện, tìm hiểu và nắm vững kiến thức về di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là những di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn TP. Nhận thức được điều này là các bạn đã chung sức bảo tồn di tích với chúng tôi rồi”, bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM nhận định.

Trải qua các vòng thi từ 24 quận, huyện, ban tổ chức đã chọn 46 thí sinh xuất sắc nhất (trong tổng số 24.000 thí sinh) vào vòng chung kết. Kết quả, ban tổ chức đã trao 2 giải nhất, 3 giải nhì, 4 giải ba và 7 giải khuyến khích. Hai thí sinh đoạt giải nhất là Nguyễn Thị Gấm, giáo viên Trường Mầm non Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) và Phạm Nguyễn Minh Tuấn, lớp 9/1 Trường THCS Tùng Thiện Vương (quận 8).

HỒNG LỢI

Tin cùng chuyên mục