Chung tay bảo vệ hành lang tuyến ống cấp nước

Không chỉ bị lấn chiếm bằng nhiều hình thức, hành lang đường ống truyền dẫn nước sạch cũng gặp tình trạng xâm hại tài sản thiết bị đường ống, tiềm ẩn nguy cơ bể tuyến ống gây thất thoát nước của đơn vị cũng như người dân. Thực tế, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã đưa ra nhiều phương án bảo vệ hành lang tuyến ống nước nhằm tránh rò rỉ, gây lãng phí nước sạch; đồng thời phối hợp với đơn vị liên quan bảo vệ trụ nước chữa cháy.
Nhân viên Xí nghiệp Truyền dẫn nước sạch kiểm tra định kỳ trụ cứu hỏa trên địa bàn TPHCM. Ảnh: ĐINH BÍCH
Nhân viên Xí nghiệp Truyền dẫn nước sạch kiểm tra định kỳ trụ cứu hỏa trên địa bàn TPHCM. Ảnh: ĐINH BÍCH

Nâng cao ý thức người dân

Theo Sawaco, các hình thức lấn chiếm hành lang tuyến ống truyền dẫn nước sạch rất đa dạng, nhưng chủ yếu là xây nhà hoặc vật kiến trúc trên lưng ống; rào chắn, trồng cây trên hành lang bảo vệ… Điều này gây nhiều khó khăn cho công tác bảo trì, bảo dưỡng và tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến sự cố làm thất thoát, lãng phí nước sạch. 

Để hạn chế tình trạng lấn chiếm, ngoài việc khuyến cáo người dân nâng cao ý thức bảo vệ hành lang tuyến ống, Sawaco cũng đề xuất một số giải pháp. Đó là thực hiện tuần tra thường xuyên ở các tuyến ống chính nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi lấn chiếm; lắp cổng chắn nhằm hạn chế xe tải và biển báo hành lang an toàn tuyến ống cấp nước. Ngoài ra, các đơn vị còn thực hiện cắm các trụ cảnh báo hành lang tuyến ống cấp nước để giúp người dân dễ nhận biết. Trong đó, Sawaco đặc biệt quan tâm, giao các đơn vị quản lý tuyến ống tăng cường thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm tra, giám sát. Các đơn vị cũng xây dựng lịch tuần tra, phân công nhiệm vụ và tổ chức quản lý, vận hành kế hoạch tuần tra suốt chiều dài hệ thống tuyến ống cấp nước và các công trình phụ trợ trên hành lang tuyến ống.

Theo ông Trần Thái Nguyên, Trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ Sawaco, quá trình tuần tra, nếu phát hiện vi phạm thì nhắc nhở, lập biên bản ghi nhận và yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm. Trường hợp cá nhân, tổ chức không chấp hành thì báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đề nghị xử lý. Tổ tuần tra sẽ tiếp tục kiểm tra, theo dõi việc chấp hành của các cá nhân, tổ chức vi phạm. Trường hợp không chấp hành xử lý của cơ quan chức năng hoặc tái vi phạm, đơn vị tiếp tục có văn bản kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hoặc phối hợp chính quyền địa phương tiến hành cưỡng chế theo quy định.

Ngoài ra, Công đoàn, Đoàn thanh niên Sawaco còn phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, khảo sát thực trạng hành lang an toàn tuyến ống cấp nước. Đồng thời in và phát các tờ rơi tuyên truyền bảo vệ tuyến ống cấp nước đến người dân sinh sống dọc theo hành lang an toàn các tuyến ống cấp nước. Đây cũng là một trong những cách Sawaco nỗ lực để nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ hành lang tuyến ống cấp nước được an toàn.

Nỗ lực quản lý, vận hành hiệu quả

Dự báo khí hậu, thời tiết trong năm 2022 rất phức tạp, có thể dẫn đến biến động nguồn nước và hiện tượng xâm nhập mặn gia tăng vào mùa khô. Ngoài ra, một số khu vực cuối nguồn thuộc huyện Bình Chánh vẫn còn tình trạng nước yếu, trong khi các dự án cấp nguồn chính cho khu vực vẫn đang triển khai. Tuy nhiên, sau khi tuyến ống D600 quốc lộ 50 và tuyến ống D1200 đường Nguyễn Cửu Phú đưa vào khai thác sẽ góp phần giải quyết tình trạng nước yếu, thiếu ở các khu vực trên. 

Để đảm bảo thực hiện kế hoạch phân vùng phục vụ các nhà máy nước, trong năm 2021 Sawaco đã nỗ lực quản lý, vận hành, điều tiết hệ thống cấp nước nhằm đảm bảo lưu lượng, áp lực và chất lượng nước cung cấp ổn định, liên tục đến người dân, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng nước yếu và thiếu trên địa bàn thành phố. 

Ngoài đảm bảo việc cung cấp nước sạch đến người dân, công tác quản lý, bảo vệ trụ nước chữa cháy cũng được Sawaco đặc biệt quan tâm. Cụ thể, Sawaco, Công an TPHCM và Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn đã ký kết quy chế phối hợp quản lý trụ nước chữa cháy trên địa bàn thành phố. Đây là hoạt động thực hiện sự chỉ đạo của UBND TPHCM trong quản lý và bảo vệ trụ nước chữa cháy trên địa bàn. Theo ông Trần Quang Minh, Tổng Giám đốc Sawaco, đến nay, Sawaco đã tiếp nhận, quản lý hơn 9.000 trụ nước chữa cháy. Việc tiếp nhận này nhằm giúp tạo thuận lợi cho các đơn vị trong quản lý, kiểm tra, sửa chữa để đảm bảo nguồn nước cho công tác chữa cháy khi có xảy ra sự cố cháy, nổ. 

Đại diện Công an TPHCM cũng chia sẻ, thời gian qua, nhiều sự cố cháy nổ khi lực lượng xuống hiện trường thực hiện cứu chữa gặp khó khăn do trụ nước xa khu vực xảy ra cháy. Nhiều nguy cơ trụ bị xâm hại, áp lực nước tại trụ chữa cháy quá yếu, không đủ nước chữa cháy. Để thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành trụ nước chữa cháy và đảm bảo áp lực nước phục vụ phòng cháy chữa cháy, Sawaco và các đơn vị sẽ bảo đảm quy trình phối hợp chặt chẽ, an toàn trong hoạt động khai thác hệ thống trụ nước chữa cháy. Sawaco và Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn sẽ đầu tư, quản lý, vận hành, bảo dưỡng trụ nước chữa cháy trên các tuyến ống đơn vị quản lý. Từ đó, bảo đảm nguồn nước cung cấp cho hệ thống trụ nước chữa cháy hoạt động an toàn, hiệu quả.

Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn nước tại các khu vực còn thiếu hụt, ngoài tiếp nhận, bảo quản trụ nước chữa cháy hiện hành, từ nay đến năm 2025, Sawaco dự kiến lắp đặt bổ sung thêm hơn 3.000 trụ nước chữa cháy. Điều này sẽ góp phần đảm bảo việc cung cấp nước tốt nhất cho công tác phòng cháy chữa cháy của TPHCM. Ông Trần Quang Minh chia sẻ, bên cạnh sự nỗ lực của ngành cấp nước và các đơn vị, thì chính ý thức người dân trong bảo quản các trụ nước chữa cháy cũng vô cùng quan trọng.

Nhằm ứng phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực dự phòng cho hệ thống cấp nước trong tương lai, Sawaco tập trung xây dựng các giải pháp an toàn nguồn nước như tăng cường giám sát nước thô, phối hợp hồ chứa đầu nguồn, phối hợp sở ngành đề xuất quy hoạch nguồn nước phù hợp. Ngoài ra, giải pháp đảm bảo an toàn nguồn nước thô trong trung hạn, dài hạn và các hoạt động liên quan đến bảo vệ nguồn nước... cũng được thực hiện. Sawaco cũng triển khai nghiên cứu, đề xuất xây dựng các hồ chứa nước sạch trong thành phố, hoàn thiện tuyến ống cấp 1, quản lý thất thoát, thất thu, duy trì áp lực cấp nước để đảm bảo chất lượng nước và sức khỏe cho người dân sử dụng.

Tin cùng chuyên mục