Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp thiếu ý thức, thản nhiên xả chất thải chưa được xử lý ra sông suối, mỗi hành động bảo vệ môi trường, dù nhỏ, của các đơn vị khác sẽ góp phần không nhỏ trong việc phát triển bền vững.
Nắng mỗi lúc một lên cao, song Nguyễn Thị Phương Thùy vẫn cố gắng nhặt nhạnh bằng hết các vỏ chai nhựa, túi ni lông và vô số ống hút nhựa… trên diện tích 200m² bãi cát. Quệt mồ hôi lấm tấm trên gò má, Thùy vừa thở vừa nói: “Có hơn 600 đoàn viên thanh niên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Công ty Coca-Cola Việt Nam tham gia chiến dịch Làm sạch bãi biển. Do đoạn bãi biển Thùy Vân cần dọn dẹp rác dài đến 2 km nên chúng em chia nhóm gom rác”. Chỉ sau 3 giờ, số lượng rác không phân hủy mà các bạn thu gom đã gần 1.000 kg, chưa kể vỏ hải sản, rong, lá khô… được người dân sống cạnh bãi biển tham gia quét dọn.
Ông Năm, người cho thuê dù, ghế bố trước bãi tắm Ocean, phấn khởi: “Thấy tụi trẻ đến nhặt rác, tuyên truyền bảo vệ môi trường, nên chúng tôi cũng ráng phụ một tay…”. Một nhóm khách đến từ TPHCM ngồi trên bãi biển với một bao ghẹ, ốc, mấy thùng bia lạnh… thấy các bạn đồng trang lứa lui cui nhặt rác nên cũng chủ động thu dọn vỏ hải sản, lon bia rỗng xung quanh. Anh thanh niên có vẻ trưởng nhóm gật gù nói: Những việc làm trên thật đáng trân trọng”.
Trong khi báo chí “bêu gương” Vedan xả thải ra sông Thị Vải, Sonadezi làm ô nhiễm nặng rạch Bà Chèo (chảy ra sông Đồng Nai) và hàng loạt những công ty lớn góp tay… hủy hoại môi trường thì hành động nhỏ như thế này có tác dụng nêu gương tốt.
Cũng vào trung tuần tháng 9 vừa qua, Đoàn Công ty CP than Cọc Sáu - Vinacomin đã tổ chức cho các chi đoàn ra quân làm sạch vệ sinh môi trường mỏ trong toàn công ty. Ngoài việc thu gom, phân loại từng loại rác thải, các đoàn viên thanh niên còn tuyên truyền về tầm quan trọng của một môi trường xanh - sạch - đẹp. Không nói suông, sau khi ra quân, hàng trăm bạn trẻ xúc dọn, tổng vệ sinh khu dân cư xung quanh mỏ; thu gom rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt; xúc dọn, nạo vét, khơi thông cống rãnh thoát nước...
Không những thế, chỉ trong vài ngày đầu tháng 9-2011, các bạn và Đoàn Công ty than Mạo Khê còn trồng gần 15.000 cây keo tai tượng, phủ xanh 6 ha đất trống xung quanh mỏ, tạo hàng rào thiên nhiên cách ly với khu dân cư. Chị Thanh Tâm, nhân viên vệ sinh môi trường, liên hệ: “Cô bác trong vùng thấy việc làm ý nghĩa của cánh thanh niên, nhiều người bỏ luôn tật xả rác bừa bãi. Do đó, những ngày qua chúng tôi không còn phải thu lượm rác ở những nơi có gắn bảng cấm đổ rác”.
Trước đó, Ngày xanh Eco-Tour cũng được tổ chức tại khu vực bãi biển Cửa Đại và Khu du lịch sinh thái Rừng dừa Bảy Mẫu (Hội An), với sự hưởng ứng của hơn 200 tình nguyện viên là nhân viên khách sạn, cư dân địa phương và du khách nước ngoài. Một du khách Pháp cho biết: “Rác thải ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Do vậy, các hoạt động cộng đồng như thế này, tuy nhỏ nhưng có tác động rất lớn trong việc nâng cao ý thức của người dân”. Nhìn hàng trăm ông Tây, bà Tây lúi húi nhặt rác, nhiều người trước đây vô tư xả rác thấy “ngại” nên rác thải giảm hẳn những ngày qua ở khu vực Cửa Đại.
Có thể nói, Đà Nẵng và Quảng Nam là hai địa phương tổ chức thường xuyên nhiều hoạt động bảo vệ môi trường ở khu vực biển miền Trung. Học sinh cấp 2 - 3 cũng được vận động tham gia dọn rác bãi biển, thu gom cầu gai, sao biển để bảo vệ thiên nhiên ven bờ biển.
Không chỉ ở người trẻ, hình ảnh một ông già đều đặn hai buổi sáng - chiều đi nhặt rác bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) đã trở nên quen thuộc với du khách gần xa. Ông tên Hồ Việt, năm nay 67 tuổi, nguyên là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Việc làm của ông Hồ Việt đã được hàng trăm chị em bán cua, ốc ven biển “ghi nhận”. Từ đó, họ trở nên kỹ tính hơn khi khách ăn ốc mà không chịu bỏ vào giỏ rác. Có chị còn la mấy nhóm teen ra tắm, ăn uống rồi “bỏ quên” rác trên bãi cát…
Minh Tuấn