“Dịp Tết Ất Mùi năm nay, TPHCM có nhiều chính sách chăm lo các đối tượng người nghèo, công nhân, lao động nhập cư, sinh viên nghèo… với mức tăng khoảng 20% so với năm 2014 và có nhiều giải pháp tích cực để ổn định quan hệ lao động trên địa bàn” - đồng chí Nguyễn Văn Rảnh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp TPHCM (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP.
* Phóng viên: Đồng chí có thể nói rõ hơn về kế hoạch chăm lo tết trên địa bàn TPHCM tính đến thời điểm này?
* Đồng chí NGUYỄN VĂN RẢNH: Như thường niên, chuẩn bị đón tết cổ truyền của dân tộc, từ TP đến từng quận huyện phường xã đều có chương trình, có kế hoạch tổ chức thăm, tặng quà Tết cho các mẹ VNAH, cán bộ lão thành cách mạng, người nghèo, gia đình chính sách có công... Dịp tết năm nay, CBCC-VC là những người thuộc diện hỗ trợ hiện làm việc tại các cơ quan hành chính sự nghiệp TP, quận huyện, phường xã, các đoàn thể, tổ chức Đảng… sẽ được hỗ trợ 1,2 triệu đồng/người, cao hơn năm ngoái 200.000 đồng. Hơn 29.000 hộ nghèo (có mức thu nhập dưới 16 triệu đồng/năm) ở 24 quận/huyện sẽ nhận mức hỗ trợ 850.000 đồng/hộ. Mức hỗ trợ dành các Bà mẹ VNAH, thương bệnh binh, cán bộ lão thành cách mạng, hưu trí… từ 960.000 đồng đến 2,5 triệu đồng/người.
Ngoài tiền hỗ trợ của Nhà nước thì sự ủng hộ, chung tay của các doanh nghiệp TP cũng sẽ góp phần tích cực chăm lo cái tết người dân nghèo… được đầm ấm, vui tươi.
Bên cạnh đó, từ nay đến Tết Nguyên đán, mỗi ngày các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch sẽ diễn ra liên tục, tạo không khí tưng bừng đón chào năm mới. Cũng như mọi năm, các sự kiện trang trí ánh sáng nghệ thuật đường phố TP và bắn pháo hoa được thực hiện gần như 100% xã hội hóa. TP quán triệt quan điểm xuyên suốt là cố gắng tổ chức nhiều sự kiện nhưng tiết kiệm mà vẫn đáp ứng nhu cầu giải trí, vui tươi, ý nghĩa và đầy đủ cho người dân.
* Nhưng làm thế nào để sự chăm lo này đến đúng đối tượng, không bỏ sót, thưa đồng chí?
* TP đã giao Ủy ban MTTQ TPHCM làm đầu mối trong việc tiếp nhận quà hoặc giới thiệu địa điểm để các đoàn thể, tổ chức thành viên, cá nhân, DN… trực tiếp trao tặng quà cho người nghèo. Qua đó, khắc phục việc trùng lắp, tránh trường hợp người được trao quà nhiều lần, người không có. Ngoài ra các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội khác cũng sẽ hướng dẫn, phối hợp bảo đảm việc phân phối tiền, quà đúng đối tượng, công bằng, công khai, minh bạch.
* Năm nay dự kiến số lượng công nhân lao động ở lại ăn tết khá đông, TPHCM chăm lo đội ngũ này ra sao?
* Trong số 260.000 công nhân đang làm việc tại TP, dự kiến có khoảng 100.000 công nhân ở lại TP đón tết. Ở các quận - huyện thì cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng chủ nhà trọ tiếp tục tổ chức các chương trình đón xuân, vui xuân ấm áp cho công nhân lao động, sinh viên nghèo… Còn LĐLĐ TP, ngoài tặng gần 28.000 vé xe cho công nhân về quê ăn tết và tổ chức chương trình vui chơi cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn không về quê tại Suối Tiên. Ngoài ra Quỹ hỗ trợ công nhân TP, Ban quản lý KCX-KCN TP vận động các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ được gần 10.000 vé tết đoàn viên; tổ chức chương trình “Lãnh đạo TP gặp gỡ công nhân”, chương trình văn nghệ mừng xuân, bán hàng bình ổn giá… để phục vụ cho công nhân không có điều kiện về quê đón tết. Riêng sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở lại TP ăn tết, Thành đoàn cũng có kế hoạch chăm lo thiết thực.
* Tết cũng là thời điểm dễ xảy ra các tranh chấp lao động. Từ đầu năm đến nay toàn TP có 80 vụ tranh chấp lao động tập thể. Để con số này không tăng đột biến những ngày cuối năm, Ban Chỉ đạo đã có các giải pháp gì thiết thực, cụ thể hơn thưa đồng chí?
* Các vụ tranh chấp lao động tập thể nói trên có nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp nợ lương, thưởng, chưa cải thiện bữa ăn giữa ca, tăng ca quá nhiều, không ký HĐLĐ, không đóng BHXH… Ban Chỉ đạo đã chủ động dự báo tình hình quan hệ lao động trên địa bàn, nhất là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, đồng thời đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động xử lý nhanh các doanh nghiệp có dấu hiệu bất ổn về quan hệ lao động. Chính quyền địa phương cần phối hợp với các cơ quan TP yêu cầu chủ doanh nghiệp thực hiện đúng quy định pháp luật, nhanh chóng ổn định quan hệ lao động. Khi xảy ra tranh chấp, cấp ủy phải chỉ đạo tổ chức công đoàn phối hợp với chính quyền quận - huyện hướng dẫn, tư vấn cho công đoàn cơ sở nắm tình hình, cùng với đoàn công tác liên ngành tiếp xúc chủ doanh nghiệp, thương lượng, giải quyết triệt để các nội dung công nhân kiến nghị. Từ các giải pháp đồng bộ nói trên, số liệu thực tế báo cáo từ các đơn vị cho thấy tranh chấp lao động và tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn ở TPHCM giảm hẳn so với cùng kỳ giáp tết năm ngoái.
* Xin cảm ơn đồng chí!
LINH ĐAN (thực hiện)