Cứ đến giờ tan trường, ở TPHCM, tình trạng kẹt xe trước một số cổng trường lại tái diễn khiến người lưu thông trên đường bức xúc. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay, có nơi đã tìm được cách giải quyết, nhưng cũng có điểm trường mỗi năm lại kẹt xe nhiều hơn.
Xe đậu tràn xuống đường
Chị Mai Thu Trang có con học Trường THCS Đức Trí (273 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) cho biết: “Trường sát với đường, nếu xếp xe ngay ngắn thì toàn bộ vỉa hè cũng chỉ để được chừng 20 chiếc là hết chỗ. Đã vậy nhà trường còn yêu cầu chúng tôi đậu xe cách cổng trường 1m, thiếu nơi đậu xe nên chúng tôi đành đậu dưới lòng đường, biết là ảnh hưởng đến người khác nhưng không biết phải làm thế nào”.
Chị Võ Thư Minh Anh (ngụ Trần Đình Xu, quận 1) bức xúc: “Trường THCS Đức Trí ở ngay ngã ba Trần Đình Xu - Nguyễn Trãi, cứ vào giờ tan học, phụ huynh tới đón con đậu xe choán hết lòng đường. Dù nhà tôi ngay ngã ba này nhưng phải đi vòng xuống đường Cống Quỳnh, qua đường Nguyễn Cư Trinh rồi mới về được nhà vì bảo vệ khu phố không cho ô tô từ đường Nguyễn Trãi vào đường Nguyễn Cảnh Chân. Vào giờ tan học, tan tầm, nhiều xe hơi phải đi lòng vòng trong khu trung tâm mới về được nhà cũng góp phần làm kẹt xe ở những khu vực khác”.
Đã vậy, không gian trước cổng Trường THCS Đức Trí rất hẹp, chỉ có một khoảng vỉa hè rộng chừng hơn 1m và khá ngắn nên không đủ chỗ cho phụ huynh đậu xe đưa rước con.
Dù có khoảng vỉa hè khá rộng nhưng Trường THCS Giồng Ông Tố (256B Nguyễn Duy Trinh, quận 2) lại quây thành nơi để xe đạp của học sinh nên mỗi khi đưa rước con, phụ huynh vẫn phải đậu dưới lòng đường. Đoạn đường này còn có chợ Giồng Ông Tố nên kẹt xe xảy ra liên miên.
Cổng Trường THPT Lê Quý Đôn (phía đường Lê Quý Đôn) cũng là điểm nóng gây kẹt xe cho đoạn đường này. Tương tự, trên tuyến đường Lê Quang Định, Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh), Điện Biên Phủ (quận 3)… cũng có những điểm kẹt xe nghiêm trọng trước cổng trường học.
Chủ động giảm kẹt xe
Việc kẹt xe ở cổng trường có nhiều nguyên nhân khách quan như hệ thống đường phố chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển giao thông quá nhanh, cơ sở vật chất trường học ở một số nơi còn hạn chế… Về nguyên nhân chủ quan còn do nhà trường chưa tổ chức khoa học, sắp xếp hợp lý chỗ đậu xe và ý thức còn kém của PHHS. Hầu hết PHHS thường dừng xe đợi ở giữa đường, con ra là đi luôn, khỏi phải luồn lách qua các xe khác. Người này đứng giữa đường được thì người khác cũng đứng được. Cuối cùng cả một đoạn đường trước cổng trường bị phụ huynh đậu xe chiếm dụng.
Ở một số trường học, dù nằm sát mặt đường, không có khoảng trống để đậu xe nhưng nhờ sự tổ chức của nhà trường và ý thức của phụ huynh, tới đợi con là đậu xe có hàng có lối nên giảm được kẹt xe.
Anh Nguyễn Công Tuấn, bảo vệ Trường Tiểu học Bàu Sen (106 Nguyễn Trãi, phường 3, quận 5) cho biết: “Lúc đầu khu vực cổng trường này kẹt xe nhiều lắm, thời gian gần đây, nhà trường cho phép phụ huynh chạy xe vào sân để đón học sinh. Bảo vệ chúng tôi hỗ trợ, nhắc nhở phụ huynh dựng xe theo hàng nên giảm hẳn tình trạng ùn tắc trước cổng trường”. Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh) cũng áp dụng phương án này nên mấy năm nay không còn tình trạng kẹt xe.
Tại Trường THPT Tây Thạnh (S4, KCN Tân Bình, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) nằm trong khu công nghiệp, giờ tan học trùng giờ tan ca của công nhân nên nơi đây thường xuyên bị kẹt xe. Từ khi nhà trường tổ chức hướng dẫn phụ huynh đậu xe trật tự, tình trạng kẹt xe đã giảm. Ngoài ra, một số phường đã chủ động phân công lực lượng đứng ra điều tiết giao thông ở các cổng trường vào giờ tan học, góp phần hiệu quả vào việc giảm kẹt xe.
Khi các nguyên nhân khách quan chưa giải quyết rốt ráo, việc địa phương và nhà trường phối hợp với PHHS chung tay giải quyết hạn chế kẹt xe trước cổng trường là điều cần được phổ biến, thực hiện trên diện rộng.
THU HƯỜNG