Chung tay giáo dục thế hệ trẻ

Những ngày gần đây dư luận xã hội đang đề cập đến sự việc em Nguyễn Thanh Vy - học sinh lớp 8, Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) bị nhà trường buộc thôi học một năm vì hành vi vô lễ, thiếu tôn trọng và thóa mạ thầy cô trên Facebook. Có nhiều ý kiến của các nhà giáo dục, những người có trách nhiệm… người tán thành, người phản đối. Song điều đó cũng cần có cách đánh giá thận trọng, khách quan và công bằng.

Điều đáng ngạc nhiên khi có luồng dư luận không nhất trí với hình thức xử lý kỷ luật mà hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng thi hành vì lý do “quá nặng”, là “khép lại tương lai”, “vô tình đẩy các em đến chỗ hư hỏng thêm”…

Là một nhà giáo, tôi lại thấy rằng chúng ta nếu thật sự quan tâm đến thế hệ trẻ nói chung, những em học sinh phổ thông nói riêng, cần phải có sự nhìn nhận một cách thấu đáo. Bởi thực ra, khi thầy cô đưa ra quyết định đuổi học sinh - một phần nào thể hiện sự bất lực trong quá trình giáo dục của giáo viên đối với học sinh. Song, nhà trường không phải là một cơ sở giáo dục vạn năng. Gia đình và các tổ chức xã hội cần phải chung tay trong việc giáo dục con trẻ, đừng khoán trắng trách nhiệm cho nhà trường.

Trong khi đó, em Nguyễn Thanh Vy không phải vi phạm quy chế nhà trường lần đầu. Là một học sinh nữ, nhưng em đã từng tham gia đánh nhau và lôi kéo thêm người bên ngoài vào trường để đánh bạn học của mình. Trong thời gian đang thi hành kỷ luật (ở nhà 3 ngày), nếu là học sinh ngoan, biết suy nghĩ, chắc hẳn Nguyễn Thanh Vy đã phải ăn năn, hối lỗi rất nhiều. Đồng thời em phải có những hành động tích cực để khắc phục những lỗi lầm của mình như chăm chỉ ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ I.

Thay vào đó, em đã buồn chán và lên Facebook “copy và dán” một nội dung mà em nghĩ chỉ đọc cho vui. Một học sinh lớp 8 (khoảng 14 - 15 tuổi) dù có ngây thơ, có như “tờ giấy trắng” hay còn suy nghĩ nông cạn bao nhiêu, chắc hẳn em cũng phải nhận thấy được rằng câu “bọn thầy cô càng…” là xúc phạm đến người đã dạy dỗ mình (điều này một học sinh tiểu học đã tự nhận thức được). Hay đúng là em “ngây thơ” thật khi cho rằng em thấy “ngộ ngộ” nên chỉ dùng bài viết đó xuyên tạc và đổi sang tên trường mình để “giải khuây”!? Và nội dung đó cũng đã cổ xúy nhiều học sinh “hưởng ứng” với nhận thức sai lệch. Dù có biện minh bằng nhiều lý do gì đi nữa thì liệu có thể dung túng, bênh vực cho hành vi vô lễ, xem thường kỷ cương, quy định của nhà trường nơi Vy đang theo học? Nếu để Vy sai lầm nối tiếp sai lầm, dù vi phạm kỷ luật vẫn tiếp tục được học tập trong môi trường mà em rất xem thường giáo viên như thế, không khéo lại phản giáo dục.

Dù “hành xử với trẻ em là điều chúng ta cần thận trọng”, nhưng chúng ta cũng cần phải nghiêm khắc xử phạt một học sinh vì những lỗi trầm trọng mà em đã vi phạm để răn đe, giáo dục em đó nhận ra lỗi lầm của mình mà khắc phục và để những học sinh khác rút kinh nghiệm. Như thế, buộc thôi học có thời hạn cũng là một hình thức giáo dục để trẻ có thời gian suy ngẫm lại những hành vi lỗi lầm của mình. Sau thời gian chấp hành kỷ luật, nếu em nghiêm chỉnh thực hiện và có biểu hiện tiến bộ, được chính quyền địa phương xác nhận, bản thân và gia đình mong muốn học lại thì nhà trường sẵn sàng đón nhận. Điều này có nghĩa đã có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục, quản lý học sinh, những công dân của tương lai đất nước.

Th.S tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG

Tin cùng chuyên mục