Kênh Ba Bò bắt nguồn từ tỉnh Bình Dương và chảy qua địa phận TPHCM. Hơn 10 năm qua, tình trạng ô nhiễm kênh Ba Bò luôn ở mức báo động, nước kênh lúc nào cũng trong tình trạng đen đặc và nổi bọt trắng xóa. Trước thực tế đó, TPHCM và tỉnh Bình Dương đã có nhiều cuộc làm việc nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm này nhưng những biện pháp đưa ra đều chưa mang lại hiệu quả mong muốn. Do vậy, kênh Ba Bò chỉ được cứu nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa TPHCM và tỉnh Bình Dương.
Vẫn nóng chuyện ô nhiễm
Kênh Ba Bò có diện tích lưu vực khoảng 1.560ha, bao gồm 1.400ha thuộc tỉnh Bình Dương và 160ha thuộc TPHCM. Kênh Ba Bò thực hiện nhiệm vụ thoát nước cho lưu vực khá rộng và độ chênh tương đối cao, khoảng trên 17m nên thường bị sạt lở vào mùa mưa. Ngoài ra, những năm gần đây tốc độ phát triển công nghiệp trong lưu vực tăng nhanh nhưng việc kiểm soát xử lý chất thải trước khi thải ra kênh chưa chặt chẽ khiến kênh này bị suy thoái nghiêm trọng.
Mặt khác, kênh Ba Bò còn tiếp nhận nước thải và rác thải sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân sống dọc kênh dẫn đến tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, cho biết kênh Ba Bò đang phải gánh chịu rất nhiều nguồn thải từ các khu công nghiệp, khu dân cư… Cụ thể, nguồn nước thải sinh hoạt của khu dân cư giáp ga Sóng Thần, khu phố Nhị Đồng, thị trấn Dĩ An; nguồn nước thải công nghiệp từ KCN Sóng Thần I, II và các doanh nghiệp chưa đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN. Hiện lưu lượng nước thải công nghiệp đổ vào kênh khoảng 700 - 1.000m3/ngày đêm. Còn nguồn nước thải từ khu dân cư khoảng 2.000m3/ngày.
Kết quả kiểm tra và đánh giá của Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho thấy, chất lượng nước kênh Ba Bò năm 2010 vẫn ô nhiễm ở mức cao. Các chỉ tiêu DO, BOD5, COD, tổng nitơ, tổng photpho… đều vượt ngưỡng so với quy định nhiều lần. Cụ thể, BOD5 vượt 1,14 đến 3,08 lần; CDO vượt 1,01 đến 4,25 lần; tổng Nitơ vượt 19,72 đến 108,52 lần. Khu vực ô nhiễm nặng nhất là điểm Đ1 - thượng nguồn kênh Ba Bò - đây là nơi tiếp nhận trực tiếp nước thải công nghiệp từ các KCN Sóng Thần I, II và các cơ sở sản xuất thuộc huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.
TPHCM và Bình Dương cần chung tay
Ông Đào Anh Kiệt nhấn mạnh, để đảm bảo môi trường sống cho người dân dọc kênh Ba Bò không bị ô nhiễm, lãnh đạo TP đã quyết định xây hồ xử lý nước kênh. Tuy nhiên, việc xử lý nước kênh Ba Bò chỉ có thể đạt hiệu quả mong muốn nếu tỉnh Bình Dương kiểm soát tốt nước thải sau xử lý của 3 khu công nghiệp là Đồng An, Sóng Thần I, II. Thành phố đang khẩn trương thực hiện các dự án di dời, công tác bồi thường cho các hộ dân để dự án cải tạo kênh Ba Bò sớm được hoàn thiện.
Ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cũng cho biết cải tạo kênh Ba Bò đang là dự án trọng tâm của tỉnh. Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM tiến hành quan trắc chất lượng nước thải sau khi xử lý của hai KCN Sóng Thần I và Sóng Thần II với tần suất 1 lần/tháng.
Ngoài ra, UBND huyện Thuận An và UBND huyện Bình Hòa đã thực hiện rất nhiều biện pháp giảm thiểu các nguồn thải từ các khu dân cư như tuyên truyền vận động các hộ dân sống tiếp giáp với kênh Ba Bò không xả rác xuống dòng kênh; hợp đồng thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt với các tổ dân lập; xây dựng, sửa chữa bể tự hoại để thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt trước khi thải ra kênh. Các cấp chính quyền đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện, trong đó có xử lý hành chính 4 trường hợp thải chất thải rắn không đúng nơi quy định; yêu cầu 3 trường hợp cam kết không vứt rác xuống kênh và đã thực hiện việc thu gom rác thải đổ xuống kênh, xây rào chắn cao để các hộ thuê phòng trọ không tiếp tục vứt rác.
Mặt khác, buộc chủ đầu tư KCN Sóng Thần I đầu tư nâng công suất trạm xử lý nước thải từ 4.000m3/ngày đêm lên 6.500m3/ngày đêm. Từ đó nâng tổng công suất của trạm xử lý nước thải của hai KCN là 13.000m3/ngày đêm, đủ để xử lý nước thải của các doanh nghiệp trong KCN Sóng Thần I, II. Không chỉ có thế, chủ đầu tư cũng phải cải tạo hồ chứa nước trong KCN Sóng Thần I như việc xử lý nước trong hồ, nạo vét và xử lý bùn đáy hồ, xây dựng bờ kè xung quanh…
Có thể nói, với nhiều giải pháp đồng bộ trong việc xử lý triệt để nước thải sinh hoạt và công nghiệp mà hai tỉnh Bình Dương và TPHCM đang làm, hy vọng trong thời gian gần, chất lượng nước kênh Ba Bò sẽ được cải thiện.
MINH VĂN