Chung tay vì thành phố sạch đẹp, thoát ngập

Ngày 13-6, Báo SGGP đăng bài “Ngập ở TP Hồ Chí Minh đã vượt dự báo”, phản ánh tình hình cứ mưa là ngập. Tình trạng này không chỉ ở TPHCM mà còn diễn ra ở các đô thị khác. Trong Chỉ thị số 9/CT-TTg ngày 1-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, vấn đề mưa lớn gây ngập úng ở đô thị cũng đã được nhắc đến, với yêu cầu các bộ, ngành và địa phương lồng ghép các kế hoạch, chương trình, dự án, nhất là các quy hoạch, dự án phát triển khu đô thị, nông thôn, kết cấu hạ tầng giao thông, để giảm thiểu tình hình này. Báo SGGP xin giới thiệu ý kiến của bạn đọc xung quanh vấn đề làm thế nào để giữ thành phố sạch đẹp, thoát ngập.
Một con rạch ở phường 15 (quận Gò Vấp) bị người dân quăng rác dày đặc, gây tắc nghẽn dòng chảy và bốc mùi hôi thối, dù có biển cấm đổ rác của UBND phường. Ảnh: Đức Trung
Một con rạch ở phường 15 (quận Gò Vấp) bị người dân quăng rác dày đặc, gây tắc nghẽn dòng chảy và bốc mùi hôi thối, dù có biển cấm đổ rác của UBND phường. Ảnh: Đức Trung

Bà HOÀNG THỊ THANH XUÂN (phường Thạnh Lộc, quận 12, TPHCM): Ngập úng do quản lý yếu kém

Việc tắc dòng chảy ở các kênh rạch trên địa bàn TPHCM lâu nay gây ra nhiều hệ lụy. Khi mùa mưa đến, ngập nước gây ra tình trạng hỗn loạn giao thông vào mỗi buổi tan tầm, khiến cuộc sống và sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.

Theo tôi thấy, việc ngập úng ở thành phố có nhiều nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân chính như: Ngập úng do triều cường; ngập do mưa và lũ; do biến đổi khí hậu; do phát triển đô thị quá nhanh, hạ tầng không theo kịp; do bê tông hóa quá mức; do quản lý yếu kém nên rác thải, bùn làm tắc cống, kênh rạch…Đáng nói nhất là tại quận 7.

Đây là khu vực có địa hình trũng thấp, mật độ sông, rạch cao, đóng vai trò quan trọng đối với khả năng tiêu thoát nước cho toàn thành phố, nhưng hiện đã dành phần lớn diện tích cho phát triển đô thị, dẫn đến xảy ra tình trạng san lấp và lấn chiếm nhiều đoạn sông, rạch, ao hồ, đầm lầy. Trong khi đó, những khu vực ngập nhất hiện nay là nơi đã bị bê tông hóa, lấp hồ, kênh rạch với mật độ xây dựng cao gấp chục lần cho phép, nhưng không dành không gian cho thoát nước hay hồ điều tiết.

Chị TRƯƠNG THỊ HẰNG (phường 14, quận Gò Vấp, TPHCM): Hạn chế vứt rác bừa bãi

Sống ở TPHCM từ lâu, tôi rất bức xúc trước tình trạng nhiều người bỏ rác bừa bãi và thường xuyên quẳng rác xuống các dòng kênh, rạch. Chẳng hạn, dọc tuyến đường Trần Xuân Soạn (quận 7), hàng chục gia đình sinh sống, buôn bán trên các ghe đậu san sát, hàng ngày họ xả thẳng xuống kênh Tàu Hủ lượng lớn rác thải đủ loại. Thêm vào đó, một lượng rác theo dòng nước, từ các cống ngầm tích tụ cuốn ra kênh, dẫn đến phía cuối dòng ngày càng ô nhiễm trầm trọng. 

Tại phường 14 (quận Gò Vấp), nhiều con rạch bị người dân sinh sống xung quanh quăng rác chật kín dòng chảy, đồng thời bị nhuộm đen bởi nước xả thải của các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thế nên mỗi khi có cơn mưa lớn đổ xuống, các con đường Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Khối… ở quận Gò Vấp nước dâng lên như biển vì tắc dòng chảy, người và các phương tiện lội bì bõm trong dòng nước xiết, việc lưu thông rất khó khăn. 

Ông TRỊNH MINH VỸ (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TPHCM): Nhanh chóng xây hồ điều tiết

Tôi biết rằng, để ứng phó với mưa lớn có vũ lượng vượt tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước gây ngập cục bộ cho nhiều khu vực, TPHCM đã triển khai thực hiện quy hoạch nhiều hồ điều tiết nước tập trung và phân tán. Nhưng thành phố cần phải xây dựng nhanh các hồ điều tiết, bởi lâu nay rất ít hồ được đưa vào sử dụng.

Theo thiển ý của tôi, ở các quận, huyện, tại những khu đô thị mới xây dựng phải làm hồ điều tiết nước với diện tích phù hợp, để điều tiết nước mưa cục bộ cho khu vực khi xảy ra mưa lớn. Ngoài ra, với hệ thống kênh rạch hiện hữu, chúng ta chỉ cần nạo vét, khơi thông dòng chảy và kiểm soát tốt mực nước kênh rạch vào mùa mưa là đã có thể tạo được những hồ chứa tạm nước mưa khổng lồ.

Điều cuối cùng, hệ thống thoát nước mới là giải pháp chính để chống ngập do mưa. Vì vậy, để giải quyết ngập triệt để cho thành phố, song song với việc làm hồ điều tiết, tôi nghĩ rằng thành phố cần giải pháp tổng thể, bao gồm việc đầu tư cống thoát nước, cống kiểm soát triều.

Ông NGUYỄN TUẤN (phường 19, quận Bình Thạnh, TPHCM): Cần có kế hoạch thu gom đồ hư hỏng ở gia đình

Nhà tôi ở gần kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Khu vực bờ kè trên đường Nguyễn Ngọc Phương kéo dài đến chợ Thị Nghè khá đẹp và thu hút rất nhiều người dân đến tập thể dục, nghỉ ngơi, thư giãn... Tuy nhiên, trên dọc lối đi, khách vãng lai đã để lại quá nhiều rác. Nhân viên vệ sinh vẫn tổ chức dọn dẹp, nhưng rõ ràng là không đáp ứng nổi với lượng rác thải quá mức như vậy!

Chúng tôi rất xúc động với việc nhiều người tập thể dục, trong đó có người nước ngoài, đã chịu khó nhặt rác ở dọc lối đi, gần miệng cống thoát nước. Nhưng, đó là rác trên bờ, còn dưới lòng kênh có đủ loại rác thải khác. Để giải quyết triệt để thực trạng này, chúng tôi mong mỏi ý thức người dân được nâng cao hơn. Song song đó, chính quyền địa phương cần trang bị thêm thùng rác, cũng như thông báo sẽ thu gom các vật dụng như nệm, bàn ghế vào thời điểm thích hợp, thu phí hợp lý.

Ông LÂM VĂN BẢY (phường 15, quận Tân Bình, TPHCM): Nhắc nhau giữ sạch lòng kênh, rạch

Có lẽ tôi không chủ quan khi cho rằng, tại thời điểm này, kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) và rạch Xuyên Tâm (trải dài qua các quận Gò Vấp, Bình Thạnh) là một trong các kênh, rạch ô nhiễm nhất thành phố. Rác không tự dưng mà có ở đó, rõ ràng là do từ những cư dân sinh sống hai bên bờ kênh. Trời mưa cũng như trời nắng, mùi xú uế từ dòng kênh phảng phất nặng nề.

Chính quyền, đoàn thể ở địa phương cũng tổ chức dọn dẹp, nhưng có lẽ công việc khó khăn đó không theo kịp với việc rác bị xả xuống dòng kênh. Để góp phần làm trong sạch kênh, rạch,  chúng ta cần nhắc nhở, động viên nhau không xả rác xuống dòng kênh, rạch. Thói quen khó bỏ, nhưng không có nghĩa là không làm được, nếu có sự đồng thuận, đồng lòng của mọi người.

Tin cùng chuyên mục