Chúng tôi đi tìm chị

1-
Chúng tôi đi tìm chị

Bây giờ, chị (liệt sĩ Đặng Thùy Trâm) đã được công chúng từ Nam chí Bắc biết đến. Nhà nước đã truy tặng chị danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Chị được dựng tượng và một bệnh viện mang tên chị đã ra đời ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

1- Mùa đông năm 1999, thông qua Jeam G. Zumwalt, con trai viên Đô đốc Mỹ Elmo. R Zumwalt, tôi làm quen với tiến sĩ Reckner- Giám đốc trung tâm Việt Nam ở Mỹ, ông ta là trung tá hải quân phục vụ trên hàng không mẫu hạm đã từng tham chiến ở Việt Nam. Trong bữa cơm thân mật ông ta nói:

- Tại trung tâm của tôi có rất nhiều báu vật.

Tôi hỏi:

- Đó là cái gì?

Ông ta nói:

- Những cuốn sách cổ Việt Nam, những tác phẩm văn học bất hủ của Việt Nam, những cuốn nhật ký của chiến binh Bắc-Việt Nam, gần đây qua bạn bè tôi biết được, có một người Mỹ đang giữ quyển nhật ký của một nữ trí thức Bắc Việt.

Tôi bật cười:

- Nhật ký? Tôi cũng có quyển nhật ký viết trong chiến tranh gần 1.000 trang. Mà… chiến sĩ quân đội chúng tôi, nhiều người viết nhật ký lắm. Họ đi chiến đấu, có mục đích, có trình độ văn hóa cao, đó là chuyện bình thường…

Chúng tôi đi tìm chị ảnh 1
Từ trái sang: Nhà báo Kim Dung, chị Phương Trâm, bà Doãn Ngọc Trâm, nhà văn Trầm Hương, chị Kim Trâm, chị Hiền Trâm (ảnh chụp ngày 22-4-2005).

Thời gian trôi qua, tôi thật sự không quan tâm đến “báu vật” mà ông Reckner nói. Cho đến một hôm, bạn tôi - nhà văn Trầm Hương - đưa cho tôi xem quyển “Lịch sử Phụ nữ Nam-Trung bộ trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước” viết về một người phụ nữ: “Nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm, quê ở Hà Nội, sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa, xin vào chiến trường tháng 11 năm 1966, được phân công làm Bệnh xá trưởng Bệnh xá huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi).

Trong hoàn cảnh bị địch đánh phá ác liệt, Trâm vẫn lạc quan, tin tưởng, hết lòng phục vụ thương bệnh binh và đã anh dũng hy sinh ngày 22-6-1970 với 2 tuổi Đảng”. Chẳng hiểu sao những dòng ngắn ngủi và bình dị như vậy lại gây nên sự xúc động mãnh liệt ở chị. Trầm Hương nói rằng: “Em tin không phải chỉ có như vậy, chắc chắn chị Trâm có gia đình, có thể có người yêu. Có thể chị có đủ cha mẹ, ông bà và biết đâu sẽ tìm được ảnh của chị. Em muốn viết về chị trong quyển sách “Những bông hoa bất tử”, chị hy sinh lúc mới 27 tuổi, trẻ lắm… Em phải đi Hà Nội”. Dường như có điều gì đó thôi thúc chị, dẫn dắt chị mạnh lắm.

Dịp may, chúng tôi nhận được thư mời dự hội thảo “Tài năng và sử dụng nhân tài” của Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc do Giáo sư Hoàng Chương chủ trì tại Thác Đa, Ba Vì, Hà Tây. Chúng tôi hăm hở tham dự còn bởi động cơ đi tìm liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

2- Một ngày giữa tháng 12- mùa đông năm 2004, chúng tôi có 3 người: tôi, nhà văn Trầm Hương và nhà báo Trương Thị Kim Dung- phóng viên báo Phụ nữ Thủ Đô. Điểm đến đầu tiên là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam bởi vì chúng tôi nghĩ rằng đây là nơi lưu giữ tất cả những thông tin về phụ nữ cả nước…

Gõ cửa phòng trợ lý của Chủ tịch Hội, chúng tôi nhận được một ánh nhìn ngạc nhiên cùng với cái lắc đầu: “Chúng tôi không biết chị Đặng Thùy Trâm là ai”. Thất vọng, chúng tôi bàn có lẽ phải đến Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, biết đâu ở đó có lưu giữ. Lại hy vọng, chúng tôi đến bảo tàng, người phụ trách ở đây rất nhiệt tình, nhưng rồi chúng tôi lại nhận được một lời nói xã giao: “Rất tiếc, chúng tôi không biết chị ấy”.

Chúng tôi đến Trường Đại học Y khoa, cũng chẳng ai biết gì. Hồ sơ lưu trữ đã quá lâu, việc lục trong kho không phải ngày một ngày hai mà tìm được. Chúng tôi đến nhà Giáo sư Hoàng Chương.
Tối hôm đó, chúng tôi ăn cơm trên sân thượng nhà giáo sư. Ở đây có thể nhìn thấy Hà Nội từ trên cao, những bóng đèn nhấp nháy ở xa xa, xe chạy một chiều sáng đèn như một dòng sông chảy liên tục đổ ra bờ Hồ.

Chúng tôi rất buồn, ngồi động viên nhau: “Tìm người sống giữa Hà Nội đã khó, tìm một liệt sĩ không có địa chỉ lại càng khó hơn. Không được nản, phải tìm bằng mọi cách…”, “Chuyến đi không thành công nhưng không để trắng tay”. Giáo sư Hoàng Chương nói: “Trầm Hương ngay đêm nay viết bài báo “Ai biết liệt sĩ Đặng Thị Thùy Trâm?”, Kim Dung xin báo Phụ nữ Thủ đô cho đăng bài báo và tiếp tục gõ cửa, tiếp tục tìm…”.

3- Bài báo “Ai biết liệt sĩ Đặng Thị Thùy Trâm?” đăng trên báo Phụ nữ Thủ đô số 51 ngày 22 tháng 12 năm 2004. Ngay buổi chiều hôm sau, Kim Dung nhận được điện thoại của một người đàn ông nói là bạn học của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm ở Trường Phổ thông Chu Văn An (Hà Nội).

Theo địa chỉ, Kim Dung đã đến gặp anh Ngô Sơn Huy là bạn học cùng lớp 10C niên khóa 1960-1961. Anh Huy là người đầu tiên báo cho Kim Dung biết thông tin về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Ngay sau buổi gặp anh Huy, Kim Dung xuống thẳng nghĩa trang liệt sĩ Hà Nội ở bên phải Ngã tư Nhổn (Từ Liêm- Hà Nội) để viếng và chụp ảnh ngôi mộ của chị.

Tối hôm đó, đêm Noel năm 2004, Kim Dung gọi điện thông báo cho tôi. Có lẽ sự xúc động dâng trào, Kim Dung òa khóc “Gặp rồi, anh ơi!”. Tôi hết sức xúc động, liền điện thoại nhờ tiếp tân của khách sạn Sài Gòn đánh bức thư điện tử cho Jeam. G. Zumwalt “Nữ bác sĩ chết ở Đức Phổ, còn mẹ ở số 15, ngõ 147, phố Đội Cấn, Hà Nội”…

Cũng trong những ngày này, Trầm Hương liên tục nhận được những lá thư từ Hà Nội, lá thư của ông Trần Văn Quy- bác sĩ cùng thời với bố Thùy Trâm, nhà số 26, ngõ 71 đại lộ Hai Bà Trưng, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) viết: “Nhân đọc bài báo “Ai biết liệt sĩ Đặng Thùy Trâm”, tôi thông báo đến chị một vài tư liệu có thể giúp chị tìm hiểu thêm người liệt sĩ ấy.

Năm 1960, tôi và gia đình bác sĩ Đặng Ngọc Khuê cùng làm việc với nhau ở Thanh Hóa. Sau năm 1960, ông Đặng Ngọc Khuê chuyển ra Hà Nội. Năm 1970 tôi cũng chuyển ra Hà Nội, bác sĩ Khuê công tác ở Bệnh viện Saint Paul. Anh ấy mất rồi, chị Ngọc Trâm ở số 15, ngõ 147, phố Đội Cấn, quận Ba Đình (Hà Nội), số điện thoại 8436444 (mã vùng 04). Chị gọi điện thoại cho chị Trâm - mẹ cháu Thùy Trâm sẽ có đầy đủ những tư liệu chính xác về người nữ thanh niên trí thức kiên cường ấy”.

Có lẽ bức thư của ông Đoàn Văn Líu, nhà số 241/30 phố Khâm Thiên (Hà Nội) viết cho Trầm Hương vào tối ngày 22 tháng 12 năm 2004 làm cho tôi bất ngờ nhất. Ông Líu 70 tuổi, một người chưa quen biết với gia đình Thùy Trâm đọc báo Phụ nữ Thủ đô, đã gửi cho Trầm Hương một “lá thư tham khảo”. Ông viết: “Hôm nay tôi đọc bài “Ai biết liệt sĩ Đặng Thị Thùy Trâm?” trên báo Phụ nữ Thủ Đô, tôi nảy ý nghĩ viết thư này kính gởi tới bà, để bà tham khảo”.

Ông Líu nêu 3 việc phải làm là: phải tìm địa chỉ theo cách tra cứu sổ nhân lực, thứ hai tìm địa chỉ cũ của liệt sĩ theo cách tra cứu sổ liệt sĩ, ba là tìm địa chỉ của liệt sĩ theo cách tra cứu sổ Đảng tịch. Điều hết sức quý mà lão cán bộ bày cho chúng tôi theo kinh nghiệm của ông là thư nên ngắn, rõ ý, vì ai cũng ngại đọc thư dài. Đầu mỗi thư chỉ ghi gửi một cơ quan (ông dặn “đây là chuyện tế nhị, tâm lý của người nhận thư”). Thứ ba là có tư liệu đính kèm để người nhận khỏi cảnh giác với sự cò mồi về tìm mộ liệt sĩ. Ông còn trực tiếp viết thư cho Ban chính sách- Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi. Rất tiếc, Bộ Chỉ huy quân sự Quảng Ngãi không trả lời cho ông Líu và cả chúng tôi.

Đọc những lá thư từ Hà Nội, Trầm Hương hết sức xúc động, chị nhận được rất nhiều cú điện thoại từ Hà Nội, từ miền Bắc gọi vào chia sẻ. Bài báo tìm một liệt sĩ đã lay động hàng trăm người. Họ đều góp sức cùng chúng tôi tìm ra địa chỉ của liệt sĩ, một nữ liệt sĩ, một bác sĩ hy sinh khi còn rất trẻ.

Và… nhân dự Đại hội Nhà văn lần thứ 7, tại Hà Nội, chúng tôi đã đến gia đình Thùy Trâm, rồi gặp anh Huy, chúng tôi đi thăm mộ Thùy Trâm, thắp nhang cho chị. Từ ngôi mộ ấy, Trầm Hương nhận được điện của Kim Trâm- em gái Thùy Trâm, chị nói: “Thật là linh thiêng em ạ. Hình như chị Thùy Trâm hiểu được lòng em, đã xui khiến cho chúng ta gặp gỡ thêm nhiều người. Em vừa đi, chị nhận được cú điện thoại của một người Mỹ tên là Ted Engelmann nói rằng anh ta có một người bạn tên là Frederic Whitehurst - cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam có giữ quyển nhật ký của chị Thùy 35 năm nay.

Chúng tôi đi tìm chị ảnh 2
Bài báo “Ai biết liệt sĩ Đặng Thị Thùy Trâm?” của nhà văn Trầm Hương được đăng trên báo Phụ nữ Thủ Đô ngày 22 tháng 12 năm 2004.

Tháng 4 năm 2005, anh ta mới biết đích xác địa chỉ của gia đình Đặng Thùy Trâm với sự giúp đỡ của tổ chức Quaker Mỹ tại Việt Nam. Anh ta đã nhờ bạn là Ted sang Việt Nam, chuyển đến gia đình đĩa CD chép lại quyển nhật ký dài 128 trang của chị Thùy…”. Từ bất ngờ này đến bất ngờ khác làm cho Trầm Hương hết sức xúc động, chị đã viết bài ký “Số phận cuốn nhật ký kỳ lạ” đăng hai kỳ trên báo Văn Nghệ số 21 và số 22 ra ngày 21 và 28 tháng 5 năm 2005.

Bài báo “Ai biết liệt sĩ Đặng Thị Thùy Trâm” đã đánh thức bao trái tim. Bài báo “Số phận quyển nhật ký kỳ lạ” làm xôn xao dư luận, được công luận đẩy nó lên rất cao và kết quả, cả nước đã biết đến Đặng Thùy Trâm.

Bài viết đã dài. Nhưng có một chi tiết do Hiền Trâm – em gái Thùy Trâm cho biết mà tôi nghĩ phải đưa nó lên báo. Đó là, ngày lên đường, Thùy Trâm được một số bạn bè thân thiết tiễn tại khách sạn Phùng Hưng (Hà Nội). Và, người Mỹ đầu tiên cầm đĩa CD chép lại quyển nhật ký, trước ngày gặp mặt gia đình Thùy Trâm cũng ở tại khách sạn Phùng Hưng. Hiền Trâm nói: “Chị Thùy vẫn ở đâu đây, tôi tin điều đó”.

LÊ THÀNH CHƠN

Tin cùng chuyên mục